"Vòng tròn nợ máu" tại Albania

05/09/2007 22:16 GMT+7

Những mối thù truyền kiếp không chỉ tồn tại trong thế giới mafia tại Ý. Mới đây, một báo cáo của Ủy ban hòa giải Albania cho biết có đến 800 gia đình ở nước này đang rơi vào những vòng tròn báo thù đẫm máu không có hồi kết.

Trong một ngôi làng vùng sơn cước tuyệt đẹp ở Kurcaj (Albania), hai gia đình Shima và Allushi từng là những người hàng xóm hòa thuận trong nhiều thế hệ. Nhưng giờ đây mọi điều tốt đẹp đã lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho lòng thù hận. Mọi chuyện bắt đầu từ một ván bi-da cách đây hai năm giữa một thanh niên nhà Allushi và một thiếu niên nhà Shima. Sau một hồi cãi cọ, chàng trai nhà Allushi đã dùng cây cơ đánh chảy máu đầu cậu bé nhà Shima. Nổi giận, bố cậu bé bắn một phát đạn chỉ thiên. Thật không may, viên đạn đi xuyên qua cửa sổ tầng hai, làm chết một bé gái 12 tuổi nhà Allushi. Mối huyết thù giữa hai gia đình bắt đầu từ đó. Báo Washington Post dẫn lời ông nội cậu bé là Musa Shima: "Đó chỉ là tai nạn. Chúng tôi đã nhiều lần gởi đại diện đến xin lỗi nhưng họ vẫn không nguôi giận". Đáp lại, ông Shaqir Allushi - cha cô bé xấu số - nói trong uất hận: "Con gái nhỏ của tôi đã bị giết. Chúng tôi sẽ báo thù".

Đó chỉ là một trong số rất nhiều mối huyết thù giữa 800 gia đình ở Albania. Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ và Ủy ban hòa giải, "vòng tròn nợ máu" giữa các gia đình ở Albania vẫn chưa có điểm dừng. Theo Báo Telegraph, những cuộc thanh toán qua lại giữa các gia đình ở Albania đã cướp đi 78 mạng người trong năm 2006.

Việc trả thù giữa các gia đình ở Albania bắt nguồn từ đạo luật Kanun, vốn do Hoàng thân Leke Dukagjini đặt ra từ 600 năm trước. Qua nhiều thế hệ, đạo luật này đã lan truyền khắp Albania. Nội dung cơ bản nhất của luật này là một mạng người phải đánh đổi bằng một mạng người. Theo thời gian, đạo luật Kanun đã có nhiều thay đổi. Báo Washington Post cho biết, "luật Kanun hiện đại" thường được thể hiện như sau: sau khi vụ giết người xảy ra, gia đình nạn nhân sẽ tuyên bố trả thù, còn gia đình kẻ gây án thì trốn biệt trong nhà (ít nhất là 40 ngày). Đồng thời, họ sẽ gửi đại diện sang hòa giải, nếu thành công thì mọi oán hận được xóa bỏ. Ngược lại, gia đình kẻ gây án có thể sẽ phải lẩn trốn vô thời hạn.

Mặc dù Chính phủ Albania đã ra lệnh cấm đối với luật Kanun từ năm 1991, nhưng đạo luật này vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong cộng đồng. "Nơi nào không có hệ thống pháp luật vững chắc, nơi đó Kanun tồn tại", ông Ismet Elezi - một luật sư đã có thâm niên 50 năm nghiên cứu Kanun  nói.

Ông Peter (47 tuổi) có hai con trai là Justin (19 tuổi) và Altin (16 tuổi). Họ trông nhợt nhạt và gầy yếu vì ở quá lâu trong căn hộ chung cư cũ nát nằm phía nam thành phố Tirana. Peter cho biết ông đã không còn dám nhắc đến họ của mình từ năm 2002, sau khi em trai của anh ta giết một người hàng xóm trong một vụ tranh chấp. Kể từ đó, ba cha con phải trốn biệt trong nhà để tránh bị báo thù. Thậm chí họ còn không dám đến gần cửa sổ vì sợ bị bắn. Họ từng mạo hiểm ra khỏi nhà để trốn sang Hy Lạp nhưng bất thành. "Việc này còn kinh khủng hơn cả đi tù, vì chúng cháu không thể làm gì cả", Altin nói. Bọn trẻ chỉ được học qua truyền hình và sách báo do mẹ chúng - lao động chính của gia đình - đem về. Theo quy định của Kanun thì người phụ nữ được "miễn tội", nhưng đôi khi cũng có trường hợp "ngoại lệ".

UNICEF cùng nhiều tổ chức phi chính phủ đã giúp các trẻ em rơi vào hoàn cảnh như Justin và Altin có đủ sách vở để học. Họ còn đưa giáo viên đến tận nhà để giúp đỡ các em. Sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế là có hạn, nhưng sự tồn tại dai dẳng của luật Kanun thì không biết đến bao giờ mới có hồi kết. Skander Nicolas - người có em trai bị bắn chết trong một vụ cãi cọ - rưng rưng nước mắt: "Mặc kệ ai ngăn cản. Cho dù có bị bắt tôi vẫn phải báo thù cho em trai. Máu phải được rửa bằng máu". Cứ lấy oán trả oán, không biết đến bao giờ những mối thù này mới có thể giải tỏa được.

Minh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.