Vũ khí Mỹ cháy hàng nhờ IS

07/12/2015 08:22 GMT+7

Các đại gia vũ khí Mỹ đang căng sức để đáp ứng nhu cầu tăng vọt về những loại vũ khí được dùng trong cuộc chiến chống IS và các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Các đại gia vũ khí Mỹ đang căng sức để đáp ứng nhu cầu tăng vọt về những loại vũ khí được dùng trong cuộc chiến chống IS và các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet của Mỹ chuẩn bị không kích IS bằng bom JDAM - Ảnh: The AviationistChiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet của Mỹ chuẩn bị không kích IS bằng bom JDAM - Ảnh: The Aviationist
Tính đến ngày 2.12, liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành hơn 8.500 đợt không kích xuống các mục tiêu khủng bố ở Iraq và Syria, với chi phí ước tính 5,2 tỉ USD, theo Reuters.
Chỉ riêng không quân Mỹ đã sử dụng hơn 20.000 tên lửa và bom kể từ khi chiến dịch bắt đầu cách đây khoảng 15 tháng, khiến kho bom đạn của họ sắp cạn kiệt, theo CNN.
Tuy nhiên, chiến dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc mà đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết sau khi IS tiến hành hàng loạt vụ tấn công ở Paris (Pháp) ngày 13.11 khiến 130 người chết.
Do đó, Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực nhằm đảm bảo một nguồn cung ổn định về những loại vũ khí như tên lửa và bom thông minh để có thể ứng phó IS trong thời gian dài. Ngoài ra, một liên minh khác do Ả Rập Xê Út dẫn đầu chống lại phe nổi dậy Houthi được Iran ủng hộ ở Yemen cũng đang cần vũ khí do Mỹ sản xuất.
Những quốc gia vùng Vịnh còn cần vũ khí Mỹ để cung cấp cho phe chống chính phủ Syria trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm ở quốc gia này.
Trước nhu cầu về vũ khí như thế, lãnh đạo một nhà sản xuất vũ khí Mỹ khẳng định với Reuters: “Đây là lĩnh vực phát triển khổng lồ cho chúng tôi. Mọi người trong khu vực đều bàn về việc xây dựng nguồn cung cho 5 - 10 năm. Đây sẽ là một cuộc chiến chống IS lâu dài”.
Những loại vũ khí lên ngôi
Bằng chứng cho sự tăng mạnh nhu cầu mua sắm vũ khí Mỹ là chỉ từ đầu năm tới tháng 9, các thỏa thuận bán vũ khí, khí tài quân sự cho nước ngoài được Washington thông qua đã tăng 36%, với tổng trị giá lên 46,6 tỉ USD, so với con số khoảng 34 tỉ USD cách đó một năm.
Trong đó, những lô hàng tên lửa, bom thông minh và những loại đạn dược khác cung cấp cho các đồng minh Mỹ tăng lên 6 tỉ USD trong tài khóa 2015 (từ 1.10.2014 đến 30.9.2015), từ con số 3,5 tỉ USD của tài khóa trước.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về mua sắm vũ khí, công nghệ và hậu cần Frank Kendall nói với Reuters rằng nhu cầu về tên lửa đất đối không Hellfire do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất đang tăng mạnh.
Chỉ trong năm nay, chính phủ Mỹ đã thông qua nhiều thỏa thuận bán tên lửa Hellfire cho Hàn Quốc, Pakistan, Ả Rập Xê Út, Li Băng, Pháp, Ý và Anh. Trong tháng 6, lục quân Mỹ cho hay đã yêu cầu Lockheed đẩy mạnh sản xuất Hellfire từ 500 quả/tháng lên 650 trước tháng 11. “Hiện có nhiều đơn đặt hàng Hellfire, nhưng họ không thể chế tạo chúng nhanh được”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ với Reuters.
Với giá từ 60.000 - 100.000 USD/quả, tên lửa Hellfire không đắt so với nhiều tên lửa khác, nhưng vẫn có thể được phóng từ mọi phương tiện như trực thăng, chiến đấu cơ và tàu chiến, để phá xe bọc thép hoặc các tòa nhà của đối phương.
Thuộc diện bán chạy còn có bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) do Công ty Boeing chế tạo. JDAM là loại bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi bom, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu làm tăng độ chính xác. JDAM được sử dụng liên tục trong các đợt tấn công những mục tiêu của IS ở Iraq và Syria. Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thỏa thuận bán cho Ả Rập Xê Út hơn 22.000 quả JDAM và nhiều loại bom thông minh khác, tổng trị giá 1,2 tỉ USD. Ông Kendall cùng nhiều quan chức cấp cao khác còn tiết lộ với Reuters rằng họ đang làm việc với Lockheed, Boeing và Raytheon, một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ, để gia tăng sản xuất đạn dược thông minh.
Hoạt động hết công suất
Trước tình hình nhu cầu vũ khí Mỹ tăng cao, Thứ trưởng Kendall khẳng định các nhà sản xuất nước này “rất có trách nhiệm” nhưng nhiều cơ sở đang tiến đến mức hoạt động với công suất tối đa và sẽ phải mất nhiều năm họ mới có thể mở rộng sản xuất.
Trong đó, những đại gia vũ khí Mỹ phải tăng cường nhân viên và hoạt động hết công suất. Cụ thể, Lockheed vừa cho nhân viên làm thêm ca 3 tại nhà máy sản xuất tên lửa Hellfire ở thành phố Troy thuộc bang Alabama, theo một nguồn tin tiết lộ với Reuters. Hồi tháng 2, Lockheed đã tuyên bố sẽ tăng thêm 240 lao động trước năm 2020 và sẽ mở rộng nhà máy ở Troy.
Còn Boeing trong tháng 7 thông báo đã tăng mức sản xuất JDAM tại cơ sở của công ty bên ngoài thành phố St.Louis thuộc bang Missouri thêm 80%, để đáp ứng nhu cầu của Mỹ và hơn 25 quốc gia khác.
Trong khi đó, Raytheon không tiết lộ về công việc sản xuất tên lửa của mình, nhưng Thứ trưởng Kendall cho biết công ty này sở hữu một cơ sở sản xuất tên lửa lớn ở thành phố Tucson thuộc bang Arizona, vốn có tiềm năng đẩy mạnh sản xuất.
Hồi tháng 10, Raytheon từng tiết lộ rằng doanh thu tên lửa của công ty (chiếm khoảng 28% tổng doanh thu) tăng 11% trong quý 3 và dự kiến tiếp tục tăng trong quý 4.
'Tin tức tốt lành'
Đối với những thị trấn và thành phố của Mỹ như Troy chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp vũ khí để tăng trưởng, thì sự tăng trưởng của ngành chính là tin kinh tế tốt lành dù nó đi lên “nhờ” tình trạng xung đột trên toàn cầu ngày càng gia tăng.
“Điều gì tốt cho Lockheed thì tốt cho Troy”, Trưởng phòng Thương mại hạt Pike, Kathleen Sauer khẳng định.
Theo ông này, việc mở rộng sản xuất của Lockheed đang giúp kinh tế địa phương trở thành một trong những nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong bang Alabama.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.