Xóa bỏ những đồn đoán về nhật thực

20/07/2009 22:21 GMT+7

Các nhà khoa học đã bác bỏ những dự báo của giới chiêm tinh liên quan đến hiện tượng nhật thực toàn phần vào ngày mai. Mời nghe đọc bài

Sự kiện ngày mai thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân chúng và giới khoa học bởi đó là nhật thực toàn phần dài nhất trong thế kỷ 21. Theo dự báo của giới khoa học, nhật thực toàn phần năm nay sẽ kéo dài 6 phút và 39 giây. Phải đợi đến năm 2132 mới lại có nhật thực toàn phần kéo dài lâu như thế.

Theo hãng tin AFP, bóng tối rộng đến 258 km được tạo ra từ hiện tượng tự nhiên nói trên sẽ “đổ bộ” lên đất liền ở bang Gujarat của Ấn Độ không lâu trước 6 giờ 30 sáng (giờ địa phương, tức 8 giờ sáng giờ VN). Sau đó, bóng tối này lần lượt di chuyển qua khắp Ấn Độ, che phủ thành phố linh thiêng Varanasi bên bờ sông Hằng, chen giữa hai đầu lãnh thổ của Bangladesh và Nepal trước khi “ôm” gần hết lãnh thổ Bhutan. Sau đó, nó băng ngang lãnh thổ Trung Quốc rồi tiến ra biển ở ngoài khơi Thượng Hải. Điểm đổ bộ kế tiếp là quần đảo Ryukyu của Nhật Bản, sau đó nó di chuyển theo đường cong về hướng đông nam qua Thái Bình Dương.

Dự báo của giới chiêm tinh

Có lẽ không có quốc gia nào cho thấy rõ những trái ngược giữa mê tín và khoa học như Ấn Độ. Với nền văn minh Hindu cổ xem mặt trời và mặt trăng là những vị thần, Ấn Độ là một xã hội có nhiều người mê tín. Cùng lúc, nước này cũng là một trong những quốc gia đã có nhiều nỗ lực chinh phục không gian bằng các vụ phóng vệ tinh thành công.

Vào ngày mai, phần lớn thị trấn và làng mạc Ấn Độ được dự đoán sẽ tĩnh lặng một cách kỳ lạ, các ngôi đền sẽ đóng cửa và nhiều người dân địa phương sẽ ở trong nhà để tránh nhật thực do mê tín. Theo truyền thuyết Hindu, nhật thực là hiện thân của quỷ Rahu cố gắng nuốt mặt trời, dập tắt ánh sáng tạo ra sự sống, làm cho thực phẩm trở nên không thể ăn và nước không thể uống được. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo ở trong nhà để tránh sinh quái thai, trong khi việc cầu nguyện, ăn chay và tắm theo lễ nghi, đặc biệt ở những dòng sông linh thiêng, được khuyến khích. AFP dẫn lời ông Shivani Gour, một bác sĩ tại Bệnh viện Fortis ở New Delhi, cho biết nhiều phụ nữ mang thai dự kiến sinh mổ vào ngày 22.7 đã yêu cầu đổi ngày lâm bồn.

Giới chiêm tinh dự báo khả năng gia tăng xung đột cộng đồng và khu vực trong những ngày sau khi có nhật thực toàn phần, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và những nước Đông Nam Á. Nhà chiêm tinh Raj Kumar Sharma ở Mumbai dự đoán một cuộc tấn công của các tay súng ly khai Kashmir hoặc al-Qaeda vào lãnh thổ Ấn Độ và một thảm họa thiên nhiên khủng khiếp ở Đông Nam Á. Cũng theo ông này, một nhà lãnh đạo chính trị Ấn Độ có thể bị sát hại, căng thẳng giữa phương Tây với Iran có thể gia tăng, dẫn đến một cuộc tấn công quân sự của Mỹ sau ngày 9.9.

Không chỉ Ấn Độ, người Trung Quốc cổ cũng tin rằng hiện tượng nhật thực thường đi liền với thảm họa, vua băng hà hay những sự kiện không vui khác, và tệ mê tín tương tự vẫn còn, dù Trung Quốc hiện đã đưa người lên không gian. “Khả năng bất ổn hoặc chiến tranh xảy ra trong những năm sau khi có nhật thực là 95%” là thông tin theo một bài viết được đọc nhiều trên website Baidu.com của Trung Quốc.

Giới khoa học bác bỏ

Hiệp hội những người theo chủ nghĩa duy lý Ấn Độ, tổ chức chống mê tín dị đoan với 100.000 thành viên, đã và đang tiến hành tuyên truyền và tổ chức các cuộc hội thảo nhằm chống lại giới chiêm tinh. Ông Sanai Edamaruku, Chủ tịch hiệp hội, nói với hãng tin DPA: “Các nhà chiêm tinh hoạt động dựa trên sự sợ hãi của người dân. Họ muốn người dân hoảng sợ và đến gặp họ để tìm những giải pháp đối phó, giúp họ ăn nên làm ra. Họ nói nhật thực là một điềm xấu nhưng kỳ thực đó là một điềm tốt cho họ”.

Còn ở Trung Quốc, theo báo China Daily, các cơ quan chính quyền đã được giao nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tính chất khoa học của hiện tượng nhật thực. Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc đã nhận nhiều cuộc gọi của người dân ở Vấn Xuyên, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, tâm của trận động đất hồi tháng 5.2008, hỏi về việc liệu nhật thực có gây ra một thảm họa tương tự hay không. “Theo sự hiểu biết của chúng tôi về động đất, chúng không có liên quan gì với nhật thực”, Lý Kinh, một chuyên viên thuộc Đài thiên văn quốc gia Trung Quốc, phát biểu.

Hiện tượng nhật thực cũng đã kích hoạt cơn sốt du lịch ở Trung Quốc. Các hãng lữ hành và khách sạn tại nhiều thành phố ở Trung Quốc như Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu... đã tiếp đón hàng trăm ngàn khách nội địa và nhiều khách quốc tế. Tại Ấn Độ, hãng Cox and Kings đã thuê một chiếc Boeing 737, sẽ cất cánh từ New Delhi trước bình minh, đón đầu nhật thực ở độ cao hơn 12.000 mét và chạy theo nó đến bang Bihar. Toàn bộ 21 ghế gần cửa sổ về phía mặt trời đã được bán hết.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.