Xung quanh vụ bê bối “Chủ tịch WB và người tình”

16/04/2007 00:31 GMT+7

Khóa họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra cuối tuần qua tại Washington đã bị phủ bóng bởi vụ ông Chủ tịch WB Paul Wolfovitz dàn xếp để cho người tình được hưởng lương cao bất thường.

Hôm thứ bảy 14.4, Liên minh châu u (EU) đã gia tăng sức ép lên ông Wolfovitz bằng cách từ chối ủng hộ ông này tại chức. Anh quốc - đồng minh thân cận nhất của Mỹ, qua thông cáo của Bộ trưởng Đặc trách phát triển Hilary Benn, bày tỏ quan điểm chung của các chính phủ châu u như sau: "Trong khi toàn bộ vụ việc đã gây tổn hại đến ngân hàng và lẽ ra không nên xảy ra, chúng ta nên tôn trọng việc xử lý của Hội đồng thống đốc". Bộ trưởng Phát triển Đức Heidemarie Wieczoreck-Zeul để ngỏ khả năng ra đi của ông Wolfovitz: "Ông ta phải quyết định liệu mình còn đủ uy tín để đại diện cho WB nữa hay không". Bộ trưởng Kinh tế Pháp Thierry Breton chỉ nói ngắn gọn: "Tôi tin vào ngân hàng".

Sở dĩ EU không ra mặt đòi ông Wolfovitz từ chức là vì theo thông lệ, chức vụ Chủ tịch WB luôn là người được Tổng thống Mỹ chọn, với tư cách đại diện cho quốc gia đóng góp nhiều vốn nhất cho WB. Trong trường hợp ông Wolfovitz, phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ đều cho thấy Washington chưa sẵn sàng cho sự thay thế người tin cẩn của Tổng thống Bush. Mặt khác, ông Wolfovitz vẫn nhận được sự hậu thuẫn của các nước châu Phi, dù tiếng nói của nhóm các nước đang phát triển này chủ yếu có ý nghĩa chính trị hơn là trọng lượng thực sự trong một cuộc bỏ phiếu nào ở Hội đồng thống đốc. 

Trong khi các chính phủ còn chia rẽ về vấn đề này, thái độ của các tổ chức phi chính phủ và Công đoàn WB lại khá rõ ràng. Lập luận chính của những người này là hành vi ưu đãi không chính đáng cho người thân của ông Chủ tịch WB đã làm tổn hại đến danh tiếng của một định chế được thiết kế nhằm mục đích giúp các nước nghèo phát triển, và vì vậy dứt khoát ông phải mất chức. Đặc biệt, chính ông Wolfovitz là người rất hăng hái với khẩu hiệu "quản trị tốt và chống tham nhũng" như là điều kiện để được nhận vốn vay của WB. Người ta nhắc lại rằng, từ khi nhậm chức 2 năm trước đây, ông Wolffovitz đã cắt, giảm tài trợ cho một loạt quốc gia như Congo Brazaville, Uzbekistan, Ấn Độ... với lý do tham nhũng. Bà Alison Cave, Chủ tịch Công đoàn WB nói: "Làm sao chúng ta có thể ra ngoài và bảo các chính phủ phải làm gì, nói một đằng và làm một nẻo ư ?".

Đó là những lý do trực tiếp. Sâu xa hơn, dư luận không quên ông Wolffovitz nguyên là Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, tác giả chính của cuộc chiến tranh Iraq, nhà lý luận hàng đầu của phái tân bảo thủ có ảnh hưởng tuyệt đối trong chính quyền Bush nhiệm kỳ đầu. Những "danh hiệu" đó đã khiến việc bổ nhiệm ông Wolfovitz vấp phải sự phản đối ngấm ngầm của các nước châu u chủ hòa như Đức và Pháp. Trong nội bộ WB, quan điểm gắn điều kiện về dân chủ, nhân quyền... với tài trợ của ông Wolfovitz cũng đi ngược lại truyền thống tự nhận "phi chính trị" của WB. Bà Nancy Birdsall, Giám đốc Trung tâm phát triển toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ giám sát việc hỗ trợ các nước đang phát triển từng bày tỏ: "Không ai trong cộng đồng các tổ chức về phát triển thực sự hiểu chúng ta sử dụng tiêu chí gì để hoãn không cho các nước nghèo vay vốn. Họ càng không hiểu tiêu chí gì được áp dụng trong 2 năm qua tại WB". Bởi vậy, vụ bê bối lương thưởng chẳng khác nào giọt nước làm tràn ly sự bất mãn đã tích tụ lâu nay mà thôi...

V.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.