Thế mạnh thành... thế yếu - Kỳ 6: Ngư dân quay lưng với 'mỏ vàng'

25/07/2015 07:29 GMT+7

Đã có một thời, Phú Yên được mệnh danh là “thủ phủ” cá ngừ của miền Trung, nhưng do giá cá bấp bênh, ngư dân đã dần quay lưng, chuyển sang nghề khác.

Đã có một thời, Phú Yên được mệnh danh là “thủ phủ” cá ngừ của miền Trung, nhưng do giá cá bấp bênh, ngư dân đã dần quay lưng, chuyển sang nghề khác.

Thế mạnh thành... thế yếu - Kỳ 6: Ngư dân quay lưng với 'mỏ vàng'Ngư dân quay lưng nghề câu cá ngừ - một thời được coi là “mỏ vàng” trên biển - Ảnh: Đức Huy
“Mù tịt” chất lượng
Khởi đầu nghề câu cá ngừ là từ một ngư dân ở P.6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Sau đó, khi cá ngừ xuất khẩu thì nghề này được coi như “mỏ vàng”, nên nhiều ngư dân đổ xô đầu tư. Ban đầu chỉ có vài chục chiếc, nhưng sau đó nghề này có đến hàng trăm chiếc tàu. Tuy nhiên, khi số lượng tàu tăng cao thì sản lượng đánh bắt lại giảm. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, sản lượng khai thác cá ngừ hiện chỉ còn 3.200 tấn (trong khi năm 2012 hơn 6.500 tấn). Sản lượng giảm nhưng chất lượng lại không tăng, chỉ có khoảng 20% sản lượng cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên con. Giá cá cũng khá bấp bênh, có thời điểm giá cá ngừ đại dương loại 1 hơn 180.000 đồng/kg. Lão ngư Trần Mây ở P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, mơ ước: “Nếu giá cá ngừ mà giữ được từ 180.000 đồng/kg loại 1 thì mỗi chuyến biển đánh bắt hơn 1 tấn đều có lãi”. Giá hiện nay chỉ còn 120.000 đồng/kg loại 1, còn cá ngừ câu tay kết hợp với đèn chỉ còn 72.000 đồng/kg loại 1.
Các chuyên gia của Nhật Bản đã nghiên cứu, phân tích cho thấy cá ngừ do ngư dân Phú Yên câu tỷ lệ đạt chất lượng rất thấp, chưa đến 10% loại 1 (loại xuất khẩu nguyên con sang Nhật Bản để ăn tươi sống). Trước tình cảnh này, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên đã đề nghị Bộ KH-CN cần sớm triển khai việc bảo quản cá ngừ theo công nghệ của Nhật Bản để nâng cao chất lượng cá ngừ. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ, chợ đầu mối đấu giá cá ngừ để giảm bớt sức ép từ đầu nậu thường ép giá cá xuống loại 2, 3 trong khi ngư dân thì mù tịt về chất lượng.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị của cá ngừ, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình Định cho rằng, các doanh nghiệp nên hướng tới việc sản xuất và xuất khẩu cá ngừ theo hướng cá ngừ ăn tươi sống đông lạnh chứ không nên chú trọng vào việc xuất khẩu tươi nguyên con. “Nếu xuất khẩu dạng này thì thị trường sẽ được mở rộng không chỉ ở Nhật Bản, EU mà còn cả thị trường Mỹ. Đa dạng hóa được sản phẩm thì các doanh nghiệp sẽ ổn định giá thu mua cá cho ngư dân. Cá ngừ sẽ lấy lại thế mạnh của nó”, bà Lan nói.
Chuyển nghề mới
Trong khi cơ quan chức năng và các chuyên gia còn lo bàn thảo để nâng cao chất lượng cá ngừ, nhằm giữ nghề này như là một thế mạnh của ngư dân một số tỉnh miền Trung, trong đó có Phú Yên, thì giá cá ngừ tiếp tục giảm mạnh và bấp bênh. Vì vậy, nhiều ngư dân đã chuyển sang nghề đánh bắt khác như lưới chuồn, chụp mực, lưới vây… Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.6 (TP.Tuy Hòa) cho biết, ở TP.Tuy Hòa có 180 chiếc tàu chuyên hành nghề câu cá ngừ thì nay chỉ còn vài chục chiếc.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho rằng ngư dân phải đa dạng hóa nghề đánh bắt trong mỗi chuyến biển thì mới có lãi được. Cũng nhận định như vậy nên ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn ngư dân đa dạng hóa nghề đánh bắt trong mỗi chuyến biển để mang lại hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.