Bóng đá VN suy kiệt

01/12/2012 03:20 GMT+7

Đội tuyển bóng đá VN đã không thể vượt qua vòng đấu bảng AFF Cup 2012. Thất bại này không chỉ của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng mà là của cả nền bóng đá VN.

Đội tuyển bóng đá VN đã không thể vượt qua vòng đấu bảng AFF Cup 2012. Thất bại này không chỉ của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng mà là của cả nền bóng đá VN. 

Trước ngày đội tuyển lên đường dự AFF Cup, dù VFF và những người trong cuộc luôn mạnh miệng nói rằng chỉ tiêu của đội nhà là lọt vào trận chung kết, nhưng người hâm mộ không mấy ai tin vì nhiều diễn biến trước đó đã sớm dự báo một kết cục không sáng sủa. Và thực tế xảy ra đúng như những gì dư luận đã nhìn thấy.

Rõ nhất chính là lực lượng. Chưa bao giờ đội tuyển đi thi đấu mà đội hình lại yếu đến thế. Hàng thủ chắp vá, tuyến giữa không có người dẫn đắt và thế công rất “cùn” khi chỉ có 2 tiền đạo phong độ đều không tốt do chấn thương liên miên trước đó. BHL đội tuyển đã có thiếu sót khi bỏ qua một vài tài năng khác nhiều kinh nghiệm đã từng chơi cho tuyển như Minh Phương, Tài Em, Minh Châu, Việt Cường, Chí Công… Nhưng dù có những tên tuổi này thì tình hình cũng chỉ khá hơn một chút chứ không thể cứu vãn sự thụt lùi của bóng đá VN. Bởi điều đó cũng chỉ cho thấy hình ảnh suy kiệt về tài năng của bóng đá VN.

Bóng đá VN suy kiệt  
Ông Ngô Lê Bằng đi nhặt từng cọng rác trên sân  - Ảnh: Khả Hòa

Nhìn lại gần 4 năm qua kể từ khi VN vô địch AFF Cup, bóng đá VN có bao nhiêu tài năng mới xuất hiện? Cả đội tuyển chỉ có thể kể ra vài cái tên như Âu Văn Hoàn, Gia Từ, Văn Quyết hay Nguyên Sa, nhưng số này trình độ thua xa lớp đàn anh. Suốt thời gian dài vừa qua, công tác đào tạo trẻ của chúng ta gần như thả nổi. Một vài CLB vì sự sống còn của mình còn có chăm chút, đa phần các CLB khác chỉ hớt ngọn chạy theo thành tích nên không chú trọng đến tuyến kế thừa. Bên cạnh đó, VFF không có một kế hoạch dài hơi để đào tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng bóng đá trẻ nên nhiều giải trẻ có nhân tố mới nổi lên nhưng không được chăm sóc đã “chết yểu”.

Một nền bóng đá mạnh, có đội tuyển mạnh phải có cái gốc là các CLB mạnh. Nhưng thực tế các CLB VN hiện nay hầu hết đều yếu từ quản lý, đầu tư, cách làm bóng đá chuyên nghiệp cho đến hết tiền. Một loạt đội đứng bên bờ vực phá sản hoặc giải thể hay rục rịch trở về thời bao cấp ngay trước mùa giải mới 2013 cũng đủ cho thấy sự kiệt quệ của các CLB VN. Rồi sự yếu kém trong khả năng tổ chức một CLB chuyên nghiệp, chỉ sống dựa vào hầu bao của các ông chủ mà không tự mình đứng được trên đôi chân của mình khiến nhiều CLB hiện không có lối ra. Từ đó tác động đến tinh thần, nhiệt huyết của các cầu thủ, khiến tâm lý của họ trở nên căng cứng, chưa ra sân mà đã lo lắng, chưa thi đấu mà đã trạng thái do không biết tương lai của mình ở CLB sẽ ra sao, cuộc sống có đảm bảo hay không, thì làm sao đôi chân mạnh mẽ và cái đầu thoải mái được.

Một số người phê phán HLV Phan Thanh Hùng, kể cả những vị từng giới thiệu ông. Đó là sự không công bằng. Ông Hùng có lỗi vì ông không thể hiện được cá tính trong lối chơi của đội tuyển. Nhưng lỗi lớn hơn chính là VFF khi đã không kiên quyết tìm HLV nội không kiêm nhiệm, mà để ông Hùng vừa làm ở Hà Nội T&T vừa nắm đội tuyển. Điều đó đã đẩy ông Hùng vào sự thiếu khách quan khi tuyển chọn lực lượng, sự thiếu linh hoạt khi chưa toàn tâm toàn ý cho đội tuyển, kể cả khi không có đối tượng tập huấn đúng nghĩa suốt 20 ngày sau trận thắng Malaysia (3.11) hay phải bay hơn 1.700 km ra Hà Nội để báo cáo với lãnh đạo trong điều kiện mệt mỏi mà ông Hùng cũng không dám kêu ca. VFF đã biến ông Hùng trở nên phụ thuộc một cách thụ động, không có cái tầm của HLV trưởng đội tuyển. Một nhà cầm quân không được trang bị dũng khí như vậy thì làm sao đội tuyển bật lên được.

Yếu kém của bóng đá VN còn do bộ máy của VFF không có những con người thực sự có tầm chiến lược, hoạch định ra những kế hoạch dài hơi mà chỉ đa phần “ăn xổi ở thì”. Đơn cử việc cử trưởng đoàn đội tuyển, thường các nước khác đó là một chính khách, một nhà tài phiệt hoặc một ông bầu có số má để luôn có sự động viên kịp thời, còn chúng ta cứ hay cử quan chức đi cho có tụ. Việc ông Ngô Lê Bằng nhận vai trò trưởng đoàn là không nên và cũng không cần thiết. Tổng thư ký phải làm những việc lớn hơn, đối ngoại tốt hơn, chứ không phải đi lượm từng cọng rác, nhặt từng trái banh trên sân tập.

Quang Tuyến

>> Chủ nhà bảng B AFF Cup 2012 thắng đậm Lào
>> AFF Cup 2012 kết thúc sớm với Văn Phong
>> Việt Nam hòa 1-1 với Myanmar trong trận mở màn AFF Cup 2012
>> 8 ngôi sao được kỳ vọng ở AFF Cup 2012
>> Singapore sử dụng "kinh nghiệm" tại AFF Cup 2012
>> Tuyển Thái Lan được “lệnh” phải vô địch AFF Cup 2012
>> Indonesia khó lòng “phá dớp” về nhì ở AFF Cup 2012
>> “Lá chắn thép” Etheridge chính thức góp mặt ở AFF Cup 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.