Chuyện đời “oanh tạc cơ”

14/11/2010 10:11 GMT+7

Tuổi thơ khốn khó với những bữa khoai sắn trừ cơm đã hun đúc ý chí vươn lên mạnh mẽ ở Ngô Văn Kiều, VĐV vinh dự được mang cờ Tổ quốc dẫn đầu đoàn thể thao VN trong lễ khai mạc ASIAD 16.

Tuổi thơ khốn khó với những bữa khoai sắn trừ cơm đã hun đúc ý chí vươn lên mạnh mẽ ở Ngô Văn Kiều, VĐV vinh dự được mang cờ Tổ quốc dẫn đầu đoàn thể thao VN trong lễ khai mạc ASIAD 16.

Khi hình ảnh Ngô Văn Kiều giương cao cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn thể thao VN tại lễ khai mạc ASIAD 16 ở Quảng Châu – Trung Quốc tối 12-11 phát đi khắp châu Á, nhiều người dân vùng quê nghèo Lam Hạ - Hà Nam đã rơi nước mắt vì tự hào và xúc động.


Ngô Văn Kiều mang cờ Tổ quốc trong lễ khai mạc ASIAD 16 - Ảnh: Hải Anh

Sinh ra để chơi bóng chuyền
 
Ngô Văn Kiều là chủ công và đội trưởng đội tuyển bóng chuyền nam VN. Anh từng được xem là hiện tượng của thể thao VN nói chung và bóng chuyền nói riêng với biệt danh “oanh tạc cơ”. Cao 1,96 m, có tầm vóc và thể lực thiên bẩm, Kiều sinh ra như thể để chơi bóng chuyền. Nhiều người đã nhầm tưởng Kiều là “con nhà nòi” nhưng anh lại sinh ra trong một gia đình thuần nông khốn khó.
 
Ngô Văn Kiều biết đến bóng chuyền ở TP biển Nha Trang nhưng thời niên thiếu của anh chàng cao kều này gắn liền với miền quê nghèo Lam Hạ. Quê Kiều chỉ cách thủ đô Hà Nội hơn 60 km nhưng người dân nơi đây quanh năm làm lụng cật lực với ruộng đồng mà vẫn nghèo khó.
 
Những năm 1980 - 1990, bọn trẻ ở Lam Hạ ăn còn không đủ no. Ngô Văn Kiều tâm sự: “Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng ăn khoai, ăn sắn trừ bữa. Hồi ấy, không phải bỏ học là may lắm rồi, nói gì đến chuyện được chơi thể thao”.
 
Bà Ngô Thị Cà, mẹ Kiều, kể: “Hồi nhỏ, nhà đông anh em nên Kiều phải đi làm ruộng, mò cua, bắt ốc nửa ngày; nửa ngày còn lại mới được đi học nhưng vẫn chịu đói triền miên”.

Trong nhà “oanh tạc cơ”, cả 4 anh em Ngô Văn Cảnh, Ngô Văn Ca, Ngô Văn Công và Ngô Văn Kiều đều cao trên 1,8 m, trong đó Kiều là người cao nhất. Bố mẹ Kiều đều “không có đối thủ” về chiều cao ở miền quê nghèo Lam Hạ.
 
Bà Cà hóm hỉnh: “Ngày xưa, cao quá như tôi cũng là một cái “tội”. Thời trẻ, tôi  khó lấy chồng vì không có chàng trai nào đứng đến tai. Có lẽ họ ngại nên lẳng lặng rút lui hết. Nếu không gặp được bố Kiều, người có chiều cao tương đương tôi thì chắc chẳng chàng trai nào dám lấy một người con gái cao hơn 1,8 m như tôi đâu”.
 
Anh em Kiều được thừa hưởng “gien cao” từ bố mẹ và đều được định hướng đi theo bóng chuyền. Tuy nhiên, sau này chỉ có mỗi Ngô Văn Kiều giúp gia đình nở mày nở mặt nhờ những đóng góp xuất sắc cho bóng chuyền và thể thao VN nói chung.
 
Ông Phùng Công Hưng, HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nam VN, khẳng định: “Tôi đã đi nhiều nơi ở VN, gặp nhiều người cao nhưng chưa có ai bằng Kiều. Theo tôi, Kiều nằm trong số ít những người VN có chiều cao gần 2 m”.
 
Suýt theo bóng đá
 
Lớn lên, Kiều luôn nghe người lớn bảo dân Lam Hạ khó thể thoát cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên mảnh ruộng, nương khoai. Một phần vì nghèo quá nên người dân nơi đây tủi hổ, tự ái; một phần do họ không bao giờ dám tin kẻ xuất thân khốn khó với lúa ngô, khoai sắn lại có ngày đem lại được niềm tự hào cho Lam Hạ.
 
Ngô Văn Kiều chính là người đầu tiên ở Lam Hạ làm được điều đó. Bà Ngô Thị Cà nhớ lại: “Lúc Kiều được 13-14 tuổi, tôi thấy ở nhà khổ quá, làm bao nhiêu cũng không đủ ăn nên khi bác của nó sống ở Khánh Hòa về bảo cho anh em Kiều vào đấy vừa học vừa làm thêm thì có thể đỡ hơn, dù buồn nhưng tôi cũng chấp nhận xa con để chúng có cơ hội đổi đời”.


Mẹ và hai anh trai của Ngô Văn Kiều cùng các cháu trong căn nhà ở Lam Hạ - Hà Nam - Ảnh: Mạnh  Duy

Thế là Kiều vào TP biển Nha Trang khi đang tuổi ăn tuổi lớn. Lúc đó Kiều lớn nhanh như thổi. Quần áo may tháng trước, tháng sau đã mặc không vừa” - bà Cà cho biết. Vào Nha Trang, không phải đi làm ruộng hoặc mò cua, bắt ốc hằng ngày để kiếm ăn nữa nhưng Kiều vẫn phải phụ giúp gia đình bác đan mây, tre kiếm thêm thu nhập.
 
Sau những giờ học tập và lao động, Kiều cùng bạn bè lại ra bãi biển Nha Trang đá bóng. Thể hình và thể lực vượt trội của anh lập tức lọt mắt xanh các HLV bóng đá ở Khánh Hòa. Kiều được đặc cách vào đội trẻ của Trung tâm Thể thao Khánh Hòa.
 
Hồi ấy, Kiều rất thích trở thành cầu thủ bóng đá nhưng ngặt một nỗi, anh đi đôi giày nào cũng chật. Chính vì đôi chân ngoại cỡ này mà Kiều luôn phải đá bóng với đôi giày nhỏ hơn chân.
 
Nhớ lại chuyện này, Kiều bộc bạch: “Nếu ngày ấy có đôi giày vừa chân, có lẽ tôi đã trở thành cầu thủ bóng đá rồi. Nhiều người nói rằng nếu tôi chọn bóng đá thì bây giờ có khi đã là tỉ phú rồi. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ tiếc nuối vì quyết định chuyển sang bóng chuyền của mình. Thậm chí, tôi còn cảm ơn cuộc đời đã đưa đẩy mình đến một ngã rẽ mới”.
 
Đến với bóng chuyền, thoạt đầu, Ngô Văn Kiều còn đi chân đất chơi trên sàn xi măng nên mỗi buổi tập là một lần rướm máu. Kiều tâm sự: “Chưa bao giờ tôi gặp thuận lợi ngay từ đầu ở bất cứ chuyện gì.
 
Tuy nhiên, chính vì điều đó đã giúp tôi càng cố gắng gấp đôi, gấp ba người khác”. Năng khiếu bóng chuyền của Kiều nhanh chóng được khẳng định, đưa anh lọt vào mắt xanh các nhà tuyển trạch. Kiều trở thành đội trưởng đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia ở tuổi 25 và hình thành tư chất của một thủ lĩnh.
 
Vinh dự

Ao ước xây nhà cho mẹ

Từ khi kiếm được tiền, Ngô Văn Kiều luôn làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Bà Ngô Thị Cà kể: “Hằng tháng, Kiều luôn gửi tiền về giúp mẹ, đỡ đần gia đình. Lần nào thi đấu gần nhà, nó cũng tranh thủ về thăm mẹ và bà con họ hàng”.

Nói đến chuyện tình cảm, Kiều bẽn lẽn: “Tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Ước mơ lớn nhất của tôi lúc này là xây cho mẹ một căn nhà tươm tất trước khi nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình. Cả đời mẹ đã vất vả nuôi nấng 4 anh em tôi nên khi có điều gì hạnh phúc, tôi đều muốn chia sẻ với mẹ đầu tiên”.

Khi Ngô Văn Kiều 18 tuổi, bố anh mất. Lúc ấy, Kiều ở Khánh Hòa không về kịp, khi đến nhà thì không còn được gặp bố nữa. Cho đến tận bây giờ, Kiều vẫn luôn day dứt vì điều này. Có lần Kiều tâm sự: “Chính vì bố mà tôi càng quyết tâm phải làm được một điều gì đó, phải vươn lên để ông được mỉm cười nơi chín suối, dù không được gặp đứa con út lúc nhắm mắt xuôi tay”.
 
Người anh kế của Ngô Văn Kiều là Ngô Văn Công cũng trở thành VĐV bóng chuyền của đội Sannest Khánh Hòa nhưng khi nhắc đến gia đình họ Ngô, người dân Lam Hạ lúc nào cũng chỉ nói về “oanh tạc cơ”.
 
Năm 2007, tại SEA Games ở Thái Lan, sự xuất hiện của Ngô Văn Kiều trong đội hình tuyển bóng chuyền nam VN đã khiến nhiều đội mạnh trong khu vực phải ngỡ ngàng. Chiều cao 1,96  m của Kiều là một lợi thế nhưng chính lối chơi mạnh mẽ, quả cảm như một chiếc oanh tạc cơ của anh mới khiến đối thủ ngán ngại.
 
Năm ấy, lần đầu tiên bóng chuyền VN đánh bại Thái Lan ở một kỳ SEA Games diễn ra ngay trên đất Thái. Sau này, các cầu thủ và HLV của Thái Lan đều thừa nhận: “Ngô Văn Kiều đã khiến sức mạnh của bóng chuyền VN thay đổi hoàn toàn”.
 
Ước mơ vươn cao, vươn xa thời trẻ của Ngô Văn Kiều đã thành hiện thực khi anh là VĐV bóng chuyền đầu tiên của VN được một CLB nước ngoài mời thi đấu với mức lương 3.000 USD/tháng. Năm 2008, “oanh tạc cơ” sang chơi cho Samator của Indonesia nhưng vẫn thuộc quân số của đội Khánh Hòa bởi với Kiều, TP biển này đã cho anh tất cả  ước mơ và hoài bão khi đến với thể thao.
 
Khi biết tin Ngô Văn Kiều được chọn làm VĐV rước quốc kỳ VN trong lễ khai mạc ASIAD 16, mẹ anh đã bật khóc vì tự hào. Ông Lê Quý Phượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, nhận xét: “Trong số hơn 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài tại ASIAD lần này, mỗi nơi chỉ có một người được cầm quốc kỳ. Đây là một niềm vinh dự với cá nhân VĐV được chọn”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.