SEA Games là “Family Games”

21/11/2011 01:22 GMT+7

Gạt qua những chuyện không hay về công tác trọng tài, SEA Games 26 vẫn được xem là một kỳ SEA Games thân thiện với những câu chuyện cảm động về những người bạn.

Gạt qua những chuyện không hay về công tác trọng tài, SEA Games 26 vẫn được xem là một kỳ SEA Games thân thiện với những câu chuyện cảm động về những người bạn. 

“Family Games” là ý tưởng của một đồng nghiệp người Thái Lan Chapongsat. Khi chúng tôi chia sẻ về nạn lũ lụt khiến người dân Thái phải vất vả suốt thời gian dài, Chapongsat nói: “Lũ lụt cũng là lý do chính khiến VĐV Thái Lan không thể thi đấu đúng với khả năng của mình tại SEA Games 26. Nhiều địa điểm thể thao của Thái Lan bị ngập nước nên đa số VĐV Thái Lan không có nơi để tập luyện trước khi lên đường dự SEA Games. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng hề gì, bởi chúng ta đến đây như một gia đình lớn của Đông Nam Á. Mọi người đều vui vẻ tranh tài, giao lưu và trao đổi văn hóa với nhau, nên chuyện thành tích chỉ là thứ yếu”.

 
Các VĐV chủ nhà Indonesia chia sẻ với thất bại của các VĐV VN trên sàn đấu kiếm - Ảnh: Bạch Dương

Chợt nhớ sau trận bán kết VN thua Indonesia, khi chúng tôi vất vả chen chúc giữa rừng người để tìm đường về thì được anh bạn đồng nghiệp Yogun người Indonesia hướng dẫn rất nhiệt tình. Yogun đã tạm gác công việc, dẫn chúng tôi loanh quanh các lối đi tắt để đi ra con đường thưa người, đón giúp chiếc taxi đưa chúng tôi về khách sạn. Sau lời cảm ơn của chúng tôi, Yogun chỉ nói đơn giản: “Đâu có gì, nếu hôm nay Indonesia thua trận, thì các bạn lại là người chăm sóc cho chúng tôi”. Câu nói đó thể hiện tình cảm gia đình của những người xa lạ mới gặp nhau giữa mùa SEA Games náo nhiệt.

Chỉ còn đúng một ngày nữa SEA Games 26 diễn ra trên đất Indonesia sẽ khép lại. Có dịp tác nghiệp gần một tháng trời ở xứ vạn đảo, hầu hết chúng tôi đều cảm thấy lưu luyến khi sắp chia tay vùng đất thân thiện, mến khách này.

Trước khi bước chân đến Indonesia, nhiều người trong chúng tôi có phần lo lắng vì đọc đâu đó những thông tin về xung đột sắc tộc, biểu tình, khủng bố… Tuy nhiên, sau những ngày ngược xuôi tác nghiệp ở đây, chúng tôi cảm nhận được sự chan hòa, vui vẻ của những người bản xứ. Không chỉ là những tình nguyện viên liên tục nói cười để hoàn thành nhiệm vụ của mình, mà bất cứ người dân Indonesia nào cũng sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi hết mình.

Như những đại hội trước, SEA Games lần này vẫn được xem là đấu trường thể thao khốc liệt ở Đông Nam Á, bởi VĐV các nước phải khổ luyện suốt 2 năm ròng rã để thỏa mong ước đoạt HCV. Dẫu vậy, dù chiếc HCV rất quý giá đối với mỗi VĐV, nhưng đó không phải là tất cả ở một kỳ SEA Games.

Chứng kiến nhiều trận chung kết kịch tính, chúng tôi không khỏi xúc động và bất ngờ về tính nhân văn của nó. Đó là khoảnh khắc cô gái vàng karatedo VN Nguyệt Ánh đánh bại VĐV chủ nhà Melina để đoạt ngôi vô địch. Sau nụ cười rạng ngời trong giờ phút chiến thắng, Nguyệt Ánh đã nhào đến Melian với cái ôm rất chặt như một sự chia sẻ. Hành động của Ánh, được Melina đáp lại bằng nụ cười thân thiện và ánh nhìn biết ơn. Một hành động rất nhỏ, nhưng Nguyệt Ánh - võ sĩ giàu thành tích, và cũng từng nếm trải không ít đắng cay - đã làm người bại trận nguôi ngoai phần nào.

Trên sàn đấu pencak silat, các võ sĩ VN như Hương Xuân, Duy Phương, Nguyễn Thị Yến, Trần Văn Toàn… cũng thể hiện tinh thần võ sĩ đạo. Điều đầu tiên họ làm trước khi ăn mừng chiến thắng là đến động viên các đối thủ đang rất buồn vì thất bại. Còn ở sàn đấu kiếm, các VĐV chủ nhà Indonesia cũng rất nghĩa hiệp với sự chia sẻ chân thành trước các VĐV VN mà họ vừa vượt qua.

Những hành động fair-play của các VĐV đều có thể gặp được ở bất cứ địa điểm thi đấu nào ở SEA Games lần này. Bởi khi bước ra sân đấu họ là đối thủ, nhưng khi mãn cuộc họ đến với nhau như những người bạn, những người thấu hiểu nhau về sự hy sinh để đem vinh quang về cho đất nước.

Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.