Thể thao Việt Nam sau ASIAD 2018: Tính lại 'nước cờ' đầu tư trọng điểm

08/09/2018 13:45 GMT+7

Sau ASIAD 18 2018, ngành thể thao sẽ tổng kết lại chính sách đầu tư trọng điểm đặc biệt xem mức độ hiệu quả đến đâu, còn bất cập điểm nào, cần loại bỏ những ai và bổ sung vận động viên nào.

Hơn 20 tỉ đồng đầu tư VĐV trọng điểm trong 1 năm
Tháng 9.2017, Tổng cục TDTT và các bộ môn đã cùng thiết lập danh sách đầu tư trọng điểm đặc biệt (hay còn gọi là trọng điểm của trọng điểm) với 63 VĐV thuộc 20 môn. Tiêu chí để được lựa chọn vào danh sách là VĐV có khả năng tranh chấp huy chương ASIAD 18, có nhiều khả năng giành HCV SEA Games 30 năm 2019.
Nếu so với VĐV trọng điểm thông thường chỉ được hưởng mỗi ngày 200.000 đồng tiền ăn và 150.000 tiền công, VĐV trọng điểm đặc biệt được hưởng 400.000 đồng tiền ăn, 400.000 tiền công, kéo dài trong 1 năm. Khoản tiền nhà nước phải chi trong khoảng thời gian này là hơn 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong đó có những VĐV được đầu tư chuyên sâu như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và một số VĐV khác của đội bắn súng được tập huấn liên tục ở nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc); kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn dài hạn tại Mỹ với khoản tiền 100.000 USD/năm (Tổng cục TDTT và ngành quân đội cùng chi trả).
Tính lại “nước cờ” đầu tư trọng điểm1
Thu Thảo tiếp tục được đầu tư trọng điểm nhưng sẽ rà soát kỹ quy trình Độc Lập
Xét về mức độ hiệu quả, những VĐV có tên trong danh sách đã đoạt HCV như Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh), Nguyễn Văn Trí (pencak silat), nhóm 4 VĐV nữ đua thuyền rowing. Hay một số VĐV xuất sắc khác như Nguyễn Huy Hoàng - HCB, HCĐ bơi lội; Quách Thị Lan - HCB cá nhân, HCĐ đồng đội môn điền kinh, Nguyễn Thị Oanh - HCĐ đồng đội điền kinh... Dĩ nhiên, cũng có những “sai số”, hoặc theo hướng tích cực, như VĐV Trần Văn Nam (pencak silat) vẫn giành HCV dù không có tên trong danh sách đầu tư sâu hoặc được đầu tư sâu, hoặc thất bại như Ánh Viên, Xuân Vinh.
Hoàng Xuân Vinh có thể “rớt” khỏi đầu tư trọng điểm
Ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 Tổng cục TDTT, cho biết vì đã hết thời gian đầu tư trọng điểm đặc biệt lần 1 nên sau tháng 9.2018, ngành sẽ đánh giá, tổng kết và chắc chắn sẽ lọc lại những thành phần cũng như số lượng các môn. Những VĐV không có khả năng tiến xa hơn về mặt thành tích hoặc chững lại, có thể sẽ được đưa ra khỏi danh sách. Ngành cũng sẽ sớm rà soát lại tổng thể danh sách VĐV trọng điểm khác, để bổ sung những gương mặt mới vào danh sách đầu tư trọng điểm đặc biệt lần 2.
Tiêu chí của lần tuyển chọn sắp tới là hướng đến nhiệm vụ ba trong một: đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 30 năm 2019 (có triển vọng ở SEA Games 31 năm 2021 tổ chức tại VN), đạt chuẩn Olympic 2020 và có cơ hội giành kết quả tại ASIAD 19 năm 2022 tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Tú Chinh tiếp tục được đầu tư trọng điểm nhưng sẽ rà soát kỹ quy trình Độc Lập
Văn Vinh tiếp tục được đầu tư trọng điểm nhưng sẽ rà soát kỹ quy trình Độc Lập
Quyết định cuối cùng chưa được đưa ra vì lãnh đạo ngành còn phải bàn bạc thêm nhưng nhiều khả năng Hoàng Xuân Vinh sẽ được cân nhắc hoặc “ở lại” danh sách, hoặc tạm thời ngưng. Ánh Viên chắc chắn vẫn có tên vì cô hoàn toàn có khả năng đạt chuẩn Olympic nội dung 400 m hỗn hợp nữ. Hơn nữa, Ánh Viên vẫn sẽ là chủ lực giành nhiều HCV tại SEA Games sang năm. Môn bơi vẫn giữ nguyên VĐV Huy Hoàng, Kim Sơn. Điền kinh ngoài Bùi Thị Thu Thảo sẽ có các VĐV khác như Nguyễn Văn Lai, Dương Văn Thái, Trần Thị Yến Hoa, Vũ Thị Ly, cử tạ có Trịnh Văn Vinh…
Danh sách đầu tư trọng điểm đặc biệt lần 2 có thể lên đến 100 VĐV của 23 - 26 môn, trong đó sẽ có nhiều VĐV trẻ. Trong số này, ngành TDTT dự báo có khoảng 60 - 70 trường hợp sẽ giành huy chương tại SEA Games 31 năm 2021, 40 - 50 trường hợp giành huy chương SEA Games 30 năm 2019 và 20 - 30 người sẽ có huy chương tại ASIAD 2022.
Một số môn võ cũng sẽ có sự điều chỉnh về số lượng VĐV, tăng nhiều gương mặt trẻ có triển vọng. Môn karate, VĐV trẻ Nguyễn Thị Ngoan tuy không thành công ở ASIAD 18 nhưng vẫn tiếp tục có tên vì Ngoan được kỳ vọng sẽ có thành tích tại Olympic 2020 (hiện tại Ngoan vẫn đang tích điểm đạt chuẩn Olympic qua các giải đấu châu Á và thế giới). VĐV Nguyễn Minh Phụng - á quân ASIAD 18, vẫn được kỳ vọng sẽ vượt qua được vòng loại Olympic 2020 và biết đâu khi lần đầu tiên karate được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức ở Thế vận hội, Phụng sẽ tạo nên bất ngờ. Môn thể dục dụng cụ, một số cựu binh dự kiến sẽ đưa về diện đầu tư trọng điểm không đặc biệt như Phạm Phước Hưng.
Rà soát toàn diện từng trường hợp
Không chỉ “chốt” lại danh sách, ngành thể thao cũng phải tự “chấm điểm” lại quy trình đầu tư đặc biệt suốt hơn một năm qua. Rõ ràng có những nước cờ đã bị tính chưa chuẩn, thậm chí còn tính sai. Chẳng hạn, không ai dự đoán được Huy Hoàng có thể giành HCB ASIAD 18 nội dung 1.500 m nam nên dù anh cũng được hưởng 800.000 đồng/ngày (gồm cả tiền ăn, tiền công như vừa đề cập ở trên) nhưng Hoàng chỉ được tập huấn trong nước với điều kiện không được tối ưu. Có một số trường hợp tập huấn nước ngoài lại không đem lại hiệu quả như mong muốn. Trường hợp VĐV điền kinh Lê Tú Chinh là một điển hình. Chỉ số kỹ thuật của cô thấp dưới khả năng thật khiến dấy lên nghi ngại về chuyến tập huấn ở Mỹ mà TP.HCM cùng phối hợp đầu tư.
Hay như Ánh Viên, liệu có nên bổ sung chuyên gia nước ngoài cho cô, hay vẫn chỉ “đóng khung” tập một thầy một trò với HLV Đặng Anh Tuấn. Một lãnh đạo ngành cho hay, dẫu Ánh Viên không thể giành huy chương ở ASIAD 18 nhưng Viên vẫn thừa tiêu chuẩn để được đầu tư trọng điểm đặc biệt. Viên năm nay mới 22 tuổi và tương lai vẫn còn rộng mở nếu phương thức huấn luyện và cả môi trường đào tạo một tài năng đặc biệt như cô có sự thay đổi phù hợp.
“Viên được đầu tư 100.000 USD, gọi là nhiều hơn so với các VĐV khác trong nước nhưng so với nước ngoài thì quá ít. Tài năng trẻ của bơi lội Singapore Schooling được đầu tư 1 triệu USD/năm trước SEA Games năm 2015 và hiện tại còn được đầu tư gấp nhiều lần con số đó. VN nghèo hơn nên không thể so bì được. Tuy nhiên, cũng vì eo hẹp về kinh phí nên càng phải tính toán cho thật kỹ lưỡng để đồng tiền bỏ ra không bị lãng phí”, vị quan chức Tổng cục TDTT nói.
Kiến nghị tăng tiền ăn
Về chế độ đãi ngộ 800.000 đồng/ngày/người (trong đó 400.000 đồng tiền ăn) cũng chưa thể gọi là cao so với chủ trương đầu tư trọng điểm đặc biệt. Đáng chú ý là, các VĐV không được nhận đầy đủ khoản tiền công 400.000 đồng/ngày vì theo quy định của nhà nước, họ sẽ bị trừ tiền vào ngày chủ nhật (ngày nghỉ). Một tháng bị trừ 1,6 triệu đồng. Đây là điều rất vô lý vì thể thao là lĩnh vực đặc thù, vào cuối tuần VĐV vẫn tập như bình thường.
Ngành thể thao cần kiến nghị với Bộ Tài chính để thay đổi quy định gây thiệt thòi cho VĐV. Hơn nữa, cũng nên kiến nghị tăng thêm tiền ăn vì 400.000 đồng chưa thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cao cho VĐV có khả năng tranh chấp huy chương ở những đấu trường lớn. Cũng cần phải có chế độ dinh dưỡng thực sự khác biệt cho nhóm VĐV trọng điểm đặc biệt chứ không thể vẫn ăn uống theo kiểu đại trà tại các trung tâm huấn luyện quốc gia.
Một VĐV đầu tư trọng điểm đặc biệt cho biết: “Chế độ ăn của chúng tôi hiện tại nặng về số lượng và môn nào ăn cũng giống môn nào, chứ chưa phân tách thành từng nhóm VĐV khác nhau để có chế độ ăn khác nhau”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.