Ai dám mua cục nợ Parma?

14/02/2015 16:52 GMT+7

(TNO) Chưa đầy 2 tháng sau khi mua lại 51% cổ phần ở CLB danh tiếng Parma, doanh nhân Rezart Taci đã lại rao bán 'tài sản' này, bằng đúng cái giá mà ông đã mua: 1 euro!

(TNO) Chưa đầy 2 tháng sau khi mua lại 51% cổ phần ở CLB danh tiếng Parma, doanh nhân Rezart Taci đã lại rao bán 'tài sản' này, bằng đúng cái giá mà ông đã mua: 1 euro!

>> CLB Parma đổi chủ
>> Parma bất ngờ quật ngã Inter để tìm đường hồi sinh
>> AC Milan vượt qua Parma sau màn rượt đuổi điên cuồng

Ai dám mua cục nợ Parma?
Parma đang đứng cuối bảng xếp hạng Serie A - Ảnh: AFP

Một thời, khi "đại gia bơ sữa" Parmalat còn đang làm mưa làm gió thì Parma là một trong những đội bóng giàu nhất thế giới. Dino Baggio, Faustino Asprilla, Tomas Brolin, Hristo Stoichkov, Juan Veron, Fabio Cannavaro, Hernan Crespo, Gianluigi Buffon... đều đã khoác áo CLB này.

Không dễ sống mãi chỉ bằng quá khứ hào hùng. Bây giờ, Parma đang đứng chót bảng, gần như chắc chắn phải rớt xuống Serie B vì cách biệt quá xa so với vị trí có thể trụ hạng. Vậy nên, Taci bỏ của chạy lấy người. Dĩ nhiên, 1 euro là giá tượng trưng. Ai muốn thay Taci làm "ông chủ Parma", chỉ cần một cái gật đầu là đủ. Danh tiếng sẵn có. Tiền lời trong tương lai, chưa biết là tiền triệu hay tiền tỷ, cũng thuộc về ông chủ mới. Nhưng trước mắt, ông chủ mới phải chấp nhận lãnh nguyên "cục nợ".

Parma đã phải nợ lương cầu thủ suốt từ đầu mùa. Nếu không thể trả lương trước ngày 16.2 thì mọi cầu thủ đều có quyền xé hợp đồng, trừ phi họ tình nguyện tiếp tục thi đấu không lương. Ngoài ra sẽ là nhiều hình phạt khác theo luật định ở Serie A. Mùa tới, đội sẽ phải chơi ở Serie B, sẽ bị trừ điểm. Tóm lại, sẽ còn nhiều khó khăn chồng chất nữa, đủ khó để Taci không dễ tìm ra người chịu thay mình... làm ông chủ của đội bóng từng có quá khứ lừng lẫy Parma.

Bản thân Parma từng vỡ nợ vào năm 2007 nhưng sau đó hồi sinh chỉ với khác biệt không đáng kể (đổi tên từ AC Parma thành FC Parma). Họ cũng từng rớt hạng rồi lập tức thăng hạng trở lại. Napoli hoặc Fiorentina là những trường hợp khác, cũng đã tái sinh sau khi phá sản. Nếu đủ tiềm lực thanh toán lương bổng trước mắt, ông chủ tương lai của Parma chẳng phải là không có cơ hội thành công.


Bates đã có một phi vụ đầu tư rất thành công - Ảnh: Reuters

Trước đây, Ken Bates từng mua CLB Anh Chelsea với giá 1 bảng. Sau này, Roman Abramovich mua lại Chelsea với giá 170 triệu bảng. Đấy có lẽ là cú lãi kỷ lục: giá bán cao gấp hàng trăm triệu lần giá mua! Bởi thế, khi Anton Zingarevich rao bán 51% cổ phần Reading trong mùa hè vừa qua với giá 1 bảng, lập tức có người chịu mua.

Đừng nghĩ các đội bóng lừng lẫy tên tuổi đều có mức giá không thể tưởng tượng. Mua, bán CLB với giá tượng trưng 1 bảng hoặc 1 euro là câu chuyện khá phổ biến trong làng bóng đá nhà nghề. Với các tỷ phú ngồi trên giếng dầu ở vùng Vịnh, vấn đề chỉ là họ thích hay không thích.

Với những "nhà giàu mới" ở Nga, có thể xem đấy là một canh bạc, tức chẳng phải không có xác suất thành công (còn trong trường hợp không thành công? Zingarevich hoặc Taci thiệt thòi khoảng vài chục triệu bảng - với họ là khoản lỗ có thể chấp nhận). Còn với các nhà đầu tư lọc lõi, như Ken Bates, CLB bóng đá là con gà đẻ trứng vàng, nếu chọn mua đúng đội bóng phù hợp.

Parma ở Calcio có phải là "đội bóng phù hợp"? Hãy chờ xem!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.