Ai làm mới cho Công Phượng?

07/04/2015 08:39 GMT+7

(TNO) Với vẻ sốt ruột, chuyên gia bóng đá, cựu HLV trưởng CLB Thể Công Trịnh Minh Huế liên tục gọi điện thoại để chia sẻ với người viết những suy nghĩ riêng của mình về Công Phượng và cho rằng, nếu không được làm mới Phượng rất khó phát sáng ở đấu trường V-League và đấu trường SEA Games.

(TNO) Với vẻ sốt ruột, chuyên gia bóng đá, cựu HLV trưởng CLB Thể Công Trịnh Minh Huế liên tục gọi điện thoại để chia sẻ với người viết những suy nghĩ riêng của mình về Công Phượng và cho rằng, nếu không được làm mới Phượng rất khó phát sáng ở đấu trường V-League và đấu trường SEA Games.
Một pha đi bóng dũng mãnh của Công Phượng, vượt qua cầu thủ Malaysia tại vòng loại U.23 châu Á 2016 - Ảnh: Bạch Dương
Theo ông Huế, Phượng thuộc mẫu "người lùn" trong bóng đá và đấy không đơn thuần là cái lùn về phương diện thước đo thể chất, mà nằm ở chỗ: "tỷ lệ thân dài hơn chân". Chính vì đặc điểm "người lùn", không có khả năng bứt tốc nhanh trong đoạn ngắn, mà nói như ông Huế là rất khó  chạy "100 m trong khoảng 12 giây" nên Phượng không phù hợp đá trung phong.
 
Ông Huế kể rằng những trung phong gạo cội của bóng đá Việt Nam trước đây như Cao Cường, Ba Đẻn thậm chí có thể chạy 100m chỉ trong 11 giây 6 và có thể lặp đi lặp lại những pha tăng tốc  này chỉ trong một buổi tập.
 
Từ đây ông Huế đặt ra câu hỏi: phải chăng muốn khai thác tất cả các tố chất của Công Phượng thì HLV trưởng CLB Hoàng Anh Gia Lai và HLV trưởng đội tuyển U.23 Việt Nam tại SEA Games 28 phải "bói" ra được một trung phong thực sự cho đội bóng của mình và đặt Phượng ở vị trí hộ công hoặc tiền vệ tấn công?
 
Cũng theo cựu HLV trưởng Thể Công thì Phượng chỉ thuận đá chân phải và hình ảnh Phượng nghiêng người, xoay bản lề, đẩy bóng từ trái sang phải để sút vòng cung có thể tạo bất ngờ cho những đối thủ mới lần đầu gặp gỡ, chứ ở đấu trường V-League hay đấu trường SEA Games - khi Phượng đã được các đối thủ nghiên cứu, mổ xẻ kỹ càng  thì lối đá ấy rất dễ bị bắt bài.
 
Xét ở góc độ tư duy chơi bóng, rõ ràng là từ trào HLV Guillaume Graechen ở đội tuyển U.19 quốc gia năm ngoái đến trào Toshyia Miura ở tuyển U.23 quốc gia vừa rồi Công Phượng đã được làm mới rất nhiều. Cái mới mà nói như chính ông Miura thì "cậu ấy đã biết lúc nào thì cầm bóng, lúc nào phải phối hợp cá nhân", thay vì kiểu thi đấu mang nặng tính trình diễn cá nhân như vẫn thấy.
 
Đấy cũng là cái mới của một cầu thủ lần đầu tiên trong đời phải chơi một thứ bóng đá tử thủ (trận U.23 Việt Nam - U.23 Nhật Bản) và hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong lối chơi tử thủ đầy xa lạ.
 
Nhưng rõ ràng để hoàn thiện hơn nữa Công Phượng vẫn cần phải được làm mới và biết cách tự làm mới nhiều hơn nữa. Chính vì thế ý kiến của chuyên gia Trịnh Minh Huế có thể sẽ là một sự tham khảo có ý nghĩa cho Công Phượng.
 
Dĩ nhiên, chỉ là "có thể" thôi, còn thực tế thì chỉ mình Phượng hiểu mình phải cải thiện những gì để hướng đến những cái đích gì trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.