Bài học về sự khiêm tốn

17/03/2010 09:47 GMT+7

Hull City là CLB thứ 5 ở Premier League thay HLV trong mùa bóng này, sau Portsmouth, Man City, Bolton, Burnley. Hull hiện mới chỉ kém nhóm trụ hạng 3 điểm trong khi giải còn 9 vòng nữa, chưa có gì gọi là tuyệt vọng lắm.

Hull City là CLB thứ 5 ở Premier League thay HLV trong mùa bóng này, sau Portsmouth, Man City, Bolton, Burnley. Hull hiện mới chỉ kém nhóm trụ hạng 3 điểm trong khi giải còn 9 vòng nữa, chưa có gì gọi là tuyệt vọng lắm.

HLV Phil Brown đã làm việc cho CLB này kể từ năm 2006, ông hiểu rõ đội bóng hơn ai hết. Cớ sao ban lãnh đạo Hull lại tước đi công việc của ông ta?

Không phủ nhận rằng Phil Brown là HLV thành công nhất trong lịch sử Hull City, ông chính là HLV đầu tiên đưa đội bóng này thăng lên hạng cao nhất bóng đá Anh vào mùa hè 2008.

Đinh HiệpNhưng tính cách màu mè, ưa khoe khoang, khoác lác của ông đã hại chính ông. Và ông phải ra đi theo cái cách không được vinh dự cho lắm.

Trận đấu cuối cùng mùa bóng trước, Hull bị đội hình dự bị của M.U đánh bại 1-0 ngay trên sân nhà nhưng bởi Newcastle, Boro cũng thua trận cuối cùng nên Hull mới được trụ hạng. Được giải cứu một cách không lấy gì làm tự hào lắm nhưng Brown vẫn rất phấn khích, giật micro từ ban tổ chức sân để hát vang bài Sloop John B của The Beach Boys, ban nhạc ông yêu thích, bằng chất giọng khó nghe.

Trước đó, trong trận gặp Man City ở ngày Tặng quà 26.12.2008, Brown đã cho họp đội bóng vào giờ nghỉ giữa 2 hiệp ngay trên sân bóng lạnh giá, khoa chân múa tay nhiếc móc họ sau hiệp đầu để thua đối thủ 0-4. Với các cầu thủ, đó là sự sỉ nhục.

Mùa thu 2009, trong một cuộc phỏng vấn, Brown kể rằng một lần ông đã thuyết phục được một người phụ nữ bỏ ý định tự tử khi bà ta đứng trên lan can cầu Humber ở Hull City. Về sau, tờ báo Guardian điều tra ra rằng câu chuyện của Brown chỉ là bịa đặt. Các báo lại đổ xô đến hỏi Brown, ông chỉ bẽn lẽn: “Miễn bình luận”.

Gần đây, khi 2 cầu thủ của Hull là Bullard và Barmby có xích mích dẫn đến chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay trong một lễ hội đường phố của Hội phụ nữ, Brown hào hiệp đứng ra “xin lỗi Hội phụ nữ vì tôi đã không dạy các học trò mình cẩn thận”. Thật ra, xin lỗi đâu phải là công việc của Brown vì cả Barmby và Bullard đều là những người trên 30 tuổi, ý thức được về hành vi của mình. Brown bị các cầu thủ của mình gán thêm mác “đạo đức giả” nữa.

Trên sân bóng, do ảnh hưởng từ thời làm trợ lý cho Sam Allardyce ở Bolton nên Brown không có bài vở gì hơn là cho Hull chơi một thứ bóng đá cơ bắp. Thế nhưng ông ta không ngừng nói về chuyện “một ngày nào đó sẽ dẫn dắt tuyển Anh”. Ngày trước, do thân với chủ tịch Paul Duffen mà chiếc ghế HLV của Brown mới vững chắc nhưng kể từ sau khi ông Adam Pearson lên thay ông Paul Duffen ngồi vào ghế chủ tịch, Brown như sống bằng “thời gian đi mượn”.

Trước trận gặp Arsenal tuần qua, Brown tuyên bố trên tờ chương trình phát cho các khán giả đến sân: “Tôi có cảm tưởng trận đấu này là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên rất quan trọng trong sự nghiệp của tôi và trong lịch sử Hull”. Hull thua Arsenal 1-2 không làm chủ tịch Pearson khó chịu lắm mà chính câu phát biểu khoác lác trên của Brown mới làm Pearson khó chịu.

Và Brown đã được toại nguyện: Pearson giải thoát cho Brown khỏi đội bóng nhỏ Hull để ông ta có thể bắt đầu một kỷ nguyên to lớn nào đó của mình. Trong làng bóng đá có nhiều kẻ khoa trương nhưng cỡ như Brown thì hơi khó tìm. Đây là bài học về tính khiêm tốn cho những người thiếu khiêm tốn.

Đ.Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.