Bao nhiêu trọng tài tự hiểu về mình?

20/10/2010 08:50 GMT+7

Đố bạn đâu là trọng tài bóng đá hay nhất thế giới hiện nay? Vâng, ai cũng biết Pierluigi Collina, nhưng ông ta giải nghệ lâu rồi. Vả lại, có thể bạn nhớ về trọng tài Collina trước tiên vì cái đầu nhẵn bóng, cặp mắt xanh lè, đủ tiêu chuẩn lựa chọn nếu muốn trở thành diễn viên cho phim kinh dị. Nhớ một Collina như vậy đã, rồi mới nhớ thêm: ông trọng tài quen thuộc ấy luôn cầm còi một cách xuất sắc.

Đố bạn đâu là trọng tài bóng đá hay nhất thế giới hiện nay?

Vâng, ai cũng biết Pierluigi Collina, nhưng ông ta giải nghệ lâu rồi. Vả lại, có thể bạn nhớ về trọng tài Collina trước tiên vì cái đầu nhẵn bóng, cặp mắt xanh lè, đủ tiêu chuẩn lựa chọn nếu muốn trở thành diễn viên cho phim kinh dị. Nhớ một Collina như vậy đã, rồi mới nhớ thêm: ông trọng tài quen thuộc ấy luôn cầm còi một cách xuất sắc.

Còn những trọng tài khác trong bóng đá đỉnh cao, nếu được nhớ đến, thì thường chỉ vì những sai lầm hy hữu hoặc những thất bại khó quên của họ. Trọng tài Anh Graham Poll phạt Josip Simunic đến 3 thẻ vàng trong 1 trận đấu chẳng hạn. Tom Henning Obrevo với những sai lầm khét tiếng ở Champions League, hoặc Howard Webb hèn nhát không dám rút thẻ đỏ trước một cú đạp rành rành vào giữa ngực đối phương trong trận chung kết World Cup, là vài ví dụ khác.

Ở xứ ta, cũng vừa có một ông trọng tài tệ đến nỗi không dám quyết định phạt đền trong một tình huống mà nếu chỉ tay vào chấm phạt đền thì quá đúng luật. Và trọng tài ấy cũng được biết đến, được biết một cách rộng rãi hơn so với trước khi sai lầm.

Khi trận đấu kết thúc mà không ai lưu ý đến trọng tài, không ai buồn hỏi trọng tài vừa cầm còi là người thế nào, từ đâu đến, thì đấy mới là trọng tài thành công. Cũng vậy, trọng tài thành công trong cả mùa giải, hoặc cả sự nghiệp, thường là những trọng tài không được nhắc đến, nhớ đến. Thực tế là như vậy. Tinh thần của môn bóng đá mà cả thế giới say sưa theo dõi hàng trăm năm nay, cũng là như vậy. Bởi đã là “vũ hội bóng đá”, là “sân khấu túc cầu”, hay là gì gì đi nữa, tùy theo khả năng bay bổng của những người cầm bút, thì diễn viên chính dứt khoát phải là các ngôi sao chơi bóng. Và kế đến phải là những nhà cầm quân danh tiếng, âm thầm biến các cầu thủ giỏi thành ngôi sao bằng những toan tính xuất sắc trong hậu trường. HLV giỏi mà chiếm lĩnh sân khấu, “lấn sân” ngôi sao bóng đá, thì đã bị xem là hơi quá rồi, làm sao đến lượt trọng tài.

Bản thân những người cầm còi phải tự hiểu rằng họ chỉ giữ một vai trò mang tính phục vụ trong môn bóng đá. Họ phải là người góp phần làm cho trận đấu diễn ra một cách tốt đẹp hơn, tự nhiên hơn, và dĩ nhiên là phải công bằng hơn. Nhưng bây giờ, người viết đồ rằng số đông trọng tài xem việc cầm còi trong trận đấu lớn là vinh dự lớn, nghĩ rằng đấy sẽ là những trận đấu làm nên tên tuổi cho họ. Họ nghĩ rằng bóng đá sẽ tôn vinh họ - hoàn toàn ngược hẳn với ý nghĩa đích thực của trọng tài trong môn bóng đá.

Suy nghĩ ấy không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những sai lầm tồi tệ trong những vụ đình đám mà mọi người đã biết đến. Suy cho cùng, đã là con người thì phải có lúc sai. Nhưng rõ ràng, trọng tài thường sai lầm trong hoàn cảnh phải chịu áp lực nặng nề. Áp lực ấy từ đâu ra? “Người phục vụ” thuần túy vốn không bao giờ phải chịu áp lực.

Đã là cầu thủ thì dĩ nhiên phải ra sân với tinh thần hướng đến các giải thưởng danh giá nhất, giống như diễn viên thực thụ bước lên sân khấu thì phải hướng đến mục tiêu trở nên nổi tiếng. Trọng tài mà lại ra sân với mục tiêu phải được tôn vinh, phải được biết đến, phải lĩnh còi vàng, thì xin nhớ cho: suy nghĩ ấy sẽ chỉ dẫn đến thất bại mà thôi. Sự nổi tiếng sẽ đến một cách tự nhiên, với những người xứng đáng.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.