Bầu Đức cho đi để mang về

11/12/2015 10:39 GMT+7

Ông bầu của đội bóng phố núi Đoàn Nguyên Đức lại đi trước các nhà làm bóng đá Việt Nam một bước khi cho 'xuất khẩu' cầu thủ sang Nhật Bản, Hàn Quốc trong lúc nhiều người vẫn mải mê xách cặp đi học.

Ông bầu của đội bóng phố núi Đoàn Nguyên Đức lại đi trước các nhà làm bóng đá Việt Nam một bước khi cho 'xuất khẩu' cầu thủ sang Nhật Bản, Hàn Quốc trong lúc nhiều người vẫn mải mê xách cặp đi học.

Bầu Đức cho cầu thủ HAGL xuất ngoại nhằm nâng cấp cho họ kiến thức lẫn tài chính - Ảnh: Khả Hòa
Khi bầu Đức cho nhiều cầu thủ của mình sang chơi bóng ở các nền bóng đá mạnh nhất châu lục cũng là lúc các quan chức của VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam) vừa hoàn thành khóa “du học” ngắn ngày ở Hàn Quốc. 
Chưa ai thấy tác dụng của việc các thành viên VPF đi học hỏi cách làm bóng đá ở xứ Hàn, giống với hồi năm ngoái họ cũng sang Nhật tầm sư học đạo. Chỉ biết rằng, sau hai mùa bóng mời trưởng giải người Nhật và hối hả mong muốn áp dụng V-League như giải vô địch của Nhật (J-League) thì đến nay mèo vẫn hoàn mèo.

Cái kiểu học bóng đá của tập thể làng bóng Việt Nam khác hẳn với cách cá nhân bầu Đức cho cầu thủ HAGL đi học rất thực tế nhằm nâng cấp mình với phần mang về là kiến thức lẫn tài chính.

Chẳng hạn, Công Phượng sẽ đầu quân cho CLB Mito Hollyhock chơi bóng ở J-League 2 có mức chuyển nhượng 100.000 USD và lương tháng 3.000 USD. Tương tự, Tuấn Anh sẽ chơi bóng cho Yokohama với phần thù lao không được phía HAGL tiết lộ cụ thể nhưng còn cao hơn cả Công Phượng.

Sự dấn thân của Công Phượng, Tuấn Anh không chỉ có lợi ích đơn thuần về tài chính dù bầu Đức không đặt nặng chuyện tiền bạc. Cái chính là những trải nghiệm của cầu thủ HAGL ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều cho bản thân mình, cho CLB và cho bóng đá Việt Nam.

Ngoài những vấn đề đơn thuần chuyên môn, việc chân sút Công Phượng đá cho Mito Hollyhock còn giúp ích cho việc địa phương Ibaraki (nơi CLB đóng quân) hợp tác phát triển về thương mại và du lịch khi mở đường bay thẳng đến Việt Nam trong tương lai gần.
Công Phường (phải), Xuân Trường và Tuấn Anh sẽ đến Nhật và Hàn để tích lũy kinh nghiệm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thương vụ của Tuấn Anh cũng gặt hái hiệu quả trước mắt cho HAGL là việc tiền vệ Ideguchi sẽ sang chơi V-League ở mùa sau.

Không chỉ có hai cầu thủ Tuấn Anh, Công Phượng chơi bóng ở Nhật mà còn Xuân Trường có nhiều cơ hội khoác áo CLB Incheon United đang đá giải K-League (Hàn Quốc) với mức chuyển nhượng 300.000 USD. 

Việc bầu Đức tung cầu thủ HAGL ra chơi bóng ở Nhật và Hàn ngoài niềm tin vào năng lực còn là thử thách lớn cho chính họ. Các cầu thủ này sẽ hành nghề ở một nền bóng đá chuyên nghiệp và xa lạ với làng bóng Việt Nam, không chỉ trên sân tập. 

Công Phượng và Tuấn Anh kể, sau mỗi buổi tập ở CLB Nhật Bản, các cầu thủ ai về nhà nấy tự túc sinh hoạt chứ không tập trung hoặc bị kiểm soát giờ giấc gắt gao như các đội bóng tại Việt Nam. Điều này giúp cầu thủ thoải mái hơn dù không có cơm bưng nước rót và buộc họ phải tự lập cho cuộc sống ngoài sân cỏ của mình.

Các cầu thủ ngoại đá bóng chuyên nghiệp ở Nhật Bản luôn tuân thủ nếp sống kỷ luật và phải giữ mình rất cẩn trọng mới có thể thích nghi cả trên sân bóng lẫn ngoài đời.

Cầu thủ trẻ của HAGL du học ở các nền bóng đá đẳng cấp châu Á chưa biết sẽ thành công hay không nhưng chắc chắn sự ra đi của họ sẽ mang về nhiều bài học bổ ích cho mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.