Bí ẩn thất bại của người Mỹ ở Roland Garros

24/05/2010 10:39 GMT+7

Chỉ vài phút sau khi đoạt danh hiệu vô địch Australian Open hồi tháng 1 năm nay, Serena Williams đã tự đặt dấu hỏi lớn nhất cho mình năm 2010: “Tôi không biết tại sao Roland Garros là thất bại bí ẩn đối với người Mỹ suốt 8 năm qua”.

Chỉ vài phút sau khi đoạt danh hiệu vô địch Australian Open hồi tháng 1 năm nay, Serena Williams đã tự đặt dấu hỏi lớn nhất cho mình năm 2010: “Tôi không biết tại sao Roland Garros là thất bại bí ẩn đối với người Mỹ suốt 8 năm qua”.

Serena quả có lý và “có trách nhiệm” với bản thân và với công chúng hâm mộ quần vợt Mỹ. Danh hiệu vô địch Grand Slam trên sân đất nện gần nhất với cô (và cả quần vợt Mỹ) là từ năm 2002 (với nam còn xa hơn: Andre Agassi năm 1999). Roland Garros đã khai mạc và người Mỹ đang chờ Serena tìm giải pháp cho câu hỏi này đây.

Thật ra, sau khi đặt câu hỏi, Serena có đùa rằng: “Có lẽ tôi cần một thân hình “nhỏ gọn” hơn”. Nghe cũng hợp lý về mặt giải pháp tạm thời (nhẹ hơn có thể di chuyển nhanh hơn và thể lực bền bỉ hơn). Nhưng các nhà chuyên môn quần vợt Mỹ đâu chỉ lưu tâm đến vấn đề của Serena.

Bình luận viên quần vợt Greg Couch tếu táo: “Sân đất đỏ, đất nện, đất sét với người Mỹ đúng là đáng báo động đỏ rồi. Giải pháp dễ nghe nhất là hãy xây dựng nhiều sân đất nện trên đất Mỹ đi, thế là “quân ta” có chỗ thực hành, học cách vừa trượt vừa đánh bóng, cứ thế mà cố nhồi bóng và nhào bột đối thủ”.

Greg Couch muốn tăng thêm lý thuyết “Mỹ càng nhiều sân đất nện thì càng sản sinh nhiều anh tài Roland Garros” bằng một dẫn chứng rặt chất văn hóa. Ông kể, ông sống 1 tuần ở Paris, đi đâu, cũng thấy người chào nhau “Bonjour” (xin chào, tiếng Pháp) nhưng thấy ông, người ta nói ngay “Hello”, bất kể đó là bồi bàn trong quán cà phê, tài xế taxi hay chủ tiệm bánh. Couch thắc mắc: “Không rõ vì sao như thế. Hình như phong cách Mỹ rất dễ “lộ” trên đất Pháp. Điều đó khiến tôi kém tự tin hẳn. Trạng thái tâm lý không chỉ xuất hiện trong đời sống thể thao mà còn ở cuộc sống thường nhật”.

Ý của Greg Couch là từ câu chuyện này nên hiểu đại khái VĐV Mỹ “bị tâm lý kém tự nhiên” trên sân đất nện và ông ta nói: “Nên gọi sân đất nện là mặt sân của châu Âu và đó là lý do mà phong cách của VĐV quần vợt Mỹ chưa phù hợp và còn thiếu tự tin khi thi đấu”.    

Huyền thoại Martina Navratilova thêm vào: “Người Mỹ đã không còn tự tin khi đấu trên sân đất nện nữa, có thể kết nối từ việc Mỹ còn thiếu sân đấu này. Hãy nhập 2 vấn đề này làm 1: thiếu sân tập luyện dẫn đến khuynh hướng kém tự tin”.

Huyền thoại Bjorn Borg trong lần xem Rafael Nadal chiến thắng ở Roland Garros đã nói vui với báo giới là sẽ tìm cách đánh bại “vua đất nện” trên sân đất nện. Sau đó, ông chú ý kỹ từng tay vợt Tây Ban Nha thể hiện tài năng trên mặt sân này để rồi chung một kết luận: “Họ như những diễn viên thực thụ trên sàn diễn, ai cũng làm tròn vai của mình”. Bjorn Borg mách nước với người Mỹ bằng kết luận ngắn gọn: “Với VĐV Tây Ban Nha, sân đất nện là nghệ thuật. Với VĐV Mỹ, sân đất nện là thể thao”.

Greg Couch cũng hy vọng “8 năm chờ đợi đằng đẵng” của người Mỹ sẽ chấm dứt khi 2 niềm hy vọng Serena và Andy Roddick có sự chuẩn bị hoàn hảo cho Roland Garros 2010. “Từ tháng 1 năm nay, Serena đã đi tìm giải pháp cho điều bí ẩn Roland Garros. Cô đã miệt mài xuất hiện tại Pháp những khi có thể. Hãy chờ xem cô ấy bước vào sân, vẫy tay với mọi người và chào tự tin bằng 2 tiếng: “Hello”.

Hiếu Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.