Bóng chuyền TP.HCM, đến bao giờ...

08/04/2011 16:03 GMT+7

(TNO) Ngồi xem giải Vô địch bóng chuyền quốc gia 2011, nhìn các đội tranh tài bỗng chạnh lòng cho bóng chuyền TP.HCM vì không còn đội bóng nào được thi đấu tại giải.

Cuộc đối đầu giữa đội Biên Phòng (áo xanh) và Ninh Bình tại giải Vô địch bóng chuyền quốc giao 2011 - Ảnh: Minh Hoàng

(TNO) Ngồi xem giải Vô địch bóng chuyền quốc gia 2011, nhìn các đội tranh tài bỗng chạnh lòng cho bóng chuyền TP.HCM vì không còn đội bóng nào được thi đấu tại giải.

Từng một thời làm mưa làm gió với 4-5 đội mạnh nhất quốc gia, có nhà thi đấu đa năng hiện đại nhất nước (sân Phan Đình Phùng), nhưng giờ tất cả chỉ là quá khứ. Thật xót xa!

Cũng giống như bóng đá, bóng chuyền TP.HCM từng làm mưa làm gió tại giải vô địch quốc gia những năm 80 và 90 thế kỷ trước. Có những thời điểm chức vô địch quốc gia chỉ là cuộc cạnh tranh nội bộ giữa Seaprodex, Dệt Thành Công, Công An TP.HCM hoặc Công Nghiệp hóa chất. Và cũng chỉ có 2 đội không thuộc TP.HCM là CLB Quân đội (Thể Công hiện nay) và Quân đoàn 4 (QĐ4) mới đủ sức cạnh tranh với các đội bóng thành phố mang tên Bác thời điểm đó.

Cũng vì vậy, sân Phan Đình Phùng luôn là tâm điểm của các giải bóng chuyền trong nước. Cứ mỗi lần CLB Quân đội đối đầu Seaprodex hoặc QĐ4 gặp Dệt Thành Công, sân không còn một chỗ trống và luôn trong tình trạng cháy vé. Muốn có một tấm vé vào sân vào buổi tối, nhiều khán giả phải bỏ số tiền gấp đôi để mua vé chợ đen và phải chờ trực mua từ buổi sáng.

Nhưng tệ hơn bóng đá, sang thế kỷ 21, bóng chuyền TP.HCM không còn một đội bóng chơi ở giải cao nhất của bóng chuyền Việt Nam.

Những cái tên từng là niềm tự hào của bóng chuyền TP.HCM lần lượt giải tán vì thiếu kinh phí hoặc không còn lòng ham muốn nữa. Phải mãi đến năm 2005, đội bóng TP.HCM mới ngoi trở lại hàng đội mạnh, nhưng cũng ì ạch và rớt hạng trở lại năm 2010. Còn sân Phan Đình Phùng cũng dần bỏ không vì các giải bóng chuyền đều chuyển sang địa phương khác, cho dù điều kiện vật chất của sân này không thua kém bất cứ sân nào trên toàn quốc.

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải sự tan nát của bóng chuyền TP.HCM. Như HLV Lê Hồng Hảo cho rằng vận động viên (VĐV) ngày nay thiếu sự khao khát và ham nghề như hồi xưa. Chủ yếu chỉ chạy theo vật chất, phải có lương cao mới thi đấu, còn không sẽ bỏ qua đội khác. Còn một số người khác lại cho rằng không thể kêu gọi được tài trợ, mà thiếu tiền thì chẳng thể làm được gì. Nói chung là rất nhiều lý do.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại. Bởi đã là VĐV chuyên nghiệp thì điều trước tiên khuyến khích họ thi đấu cho hay là phải trả lương thật cao, chế độ đãi ngộ tốt. Có như vậy họ mới toàn tâm toàn ý và cống hiến hết sức mình cho đội bóng. Bằng không họ sẽ tìm bến đậu mới có tương lai hơn.

Thậm chí điều này đã từng xảy ra trong thời bao cấp. Đó là trường hợp VĐV Nguyễn Văn Hùng đã bỏ đội Seaprodex để về chơi cho QĐ4 hồi năm 1995 vì được hứa hẹn chế độ đãi ngộ tốt hơn, dù chưa được phép của đơn vị chủ quản. Sự việc lùm xùm đến nỗi Hùng bị cấm thi đấu một thời gian dài.

Còn về vấn đề tài trợ, khi ông Phạm Phú Ngọc Trai đồng ý làm chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền TP.HCM khóa 4, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đến với bóng chuyền thành phố. Nhưng cách quản lý và điều hành của một số cá nhân thuộc bộ môn bóng chuyền Sở VH-TT-DL TP.HCM đã khiến các vị này nản lòng và rút lui luôn khỏi liên đoàn. Bóng chuyền TP.HCM mất trắng vì vậy cũng là điều dễ hiểu.

Hôm rồi có thông tin cho biết đội bóng chuyền Maseco TP.HCM đang chơi ở giải A1 toàn quốc 2001 khá thành công khi giành quyền vào bán kết (thắng cả Đức Long Gia Lai có nhiều VĐV đã thi đấu hạng đội mạnh toàn quốc như Hữu Hà, Anh Văn, Hồng Thái, Văn Sơn và nhất là tay đập số 1 Đông Nam Á Wanchai của Thái Lan) và có nhiều khả năng thăng hạng vào mùa sau. Thế nhưng người hâm mộ bóng chuyền TP.HCM vẫn chưa thể vội mừng, bởi bài học đội TP.HCM lên hạng sống dở chết dở và rớt hạng trở lại vẫn còn sờ sờ trước mắt.

Muốn mọi người không quay lưng và tin tưởng, rõ ràng sự thành công (lên hạng) của riêng Maseco TP.HCM vẫn là chưa đủ. Quan trọng là cái gốc sau đó của nó sẽ như thế nào.

Phương Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.