Bóng đá là phải tự nhiên

16/04/2011 17:16 GMT+7

(TNO) Spartak Moscow, Dynamo Kiev và Shakhtar Donetsk rốt cuộc đều đã dừng bước phiêu lưu và bóng đá Đông Âu chấm dứt sự hiện diện ở 2 cúp châu Âu mùa này.

Dynamo Kiev vừa bị loại khỏi tứ kết Europa League - Ảnh: Reuters

(TNO) Spartak Moscow, Dynamo Kiev và Shakhtar Donetsk rốt cuộc đều đã dừng bước phiêu lưu và bóng đá Đông Âu chấm dứt sự hiện diện ở 2 cúp châu Âu mùa này.

Nếu như Shakhtar không có gì để nuối tiếc khi thua gã khổng lồ Barcelona ở Champions League thì ngược lại, Dynamo Kiev đáng gọi là thất bại trước Braga, và cũng có thể nói thế khi Spartak thua Porto quá đậm ở Europa League. Trước Dynamo Kiev và Spartak Moscow, các đội nhiều tham vọng khác là Zenit St Petersburg và CSKA Moscow đều đã thất bại, cũng tại đấu trường Europa League.

Cách đây không lâu, người ta rung chuông cảnh báo “người Nga đã đến”, khi Zenit và CSKA đoạt cúp UEFA 2 lần trong vòng 4 năm, CSKA tiến xa ở Champions League, còn đội tuyển Nga do Guus Hiddink dẫn dắt làm mưa làm gió, thắng đậm Hà Lan tại Euro 2008. Mà cũng chẳng riêng gì Nga, bóng đá Đông Âu nhìn chung đã có khá nhiều bước tiến ầm ĩ trong năm gần đây. Nga giành quyền tổ chức World Cup 2018 trong khi Euro 2012 là của Ba Lan và Ukraine. Năm nay, Shakhtar Donetsk vào tận tứ kết Champions League – điều chưa từng có trong lịch sử câu lạc bộ này.

Trên bề nổi, người ta thường nhìn vào những bước tiến có vẻ “giật gân” của Zenit, CSKA, Shakhtar hoặc đội tuyển Nga để tìm hiểu nguyên nhân thành công, thậm chí còn muốn học hỏi con đường dẫn đến những thành công ấy. Bây giờ, khi bóng đá Đông Âu phải trở về vị trí cũ, thiên hạ lại chỉ thấy những nguyên nhân thất bại. Hóa ra, nguyên nhân thất bại lại đáng học hơn nguyên nhân thành công của họ.

Zenit vươn lên nhờ sức đầu tư choáng ngợp của gã khổng lồ Gazprom trong khi CSKA được Roman Abramovich ưu ái. Các đội này thâu tóm hầu hết tài năng của bóng đá Nga. Spartak ghét bỏ cách cạnh tranh ấy, tuyên bố chỉ dùng cầu thủ nước ngoài. Vươn lên nhờ lực lượng cầu thủ nước ngoài cũng là con đường của Shakhtar, đội đã tuyên chiến với tình trạng cầu thủ tốt nhất của Ukraine phải là của Dynamo Kiev. Cứ thế, bóng đá châu Âu ngoi lên bằng con đường tắt, được các tỷ phú mới rải tiền.

Kể cả khi thành công, cũng chẳng thấy các đội Đông Âu giới thiệu gương mặt trẻ đáng chú ý nào. Họ không có những “lò trẻ” chất lượng cao để hãnh diện. Họ cũng không được hậu thuẫn bởi tính cộng đồng, không sống nhờ quảng đại quần chúng hâm mộ. Những thứ làm nên sức mạnh cho Manchester United, Chelsea, Barcelona, Real Madrid như bản quyền truyền hình, việc kinh doanh sản phẩm, tiền bán vé ở các sân bóng chật cứng, sức hút quảng cáo, đều không thấy trong làng bóng Đông Âu. Ngược lại, bất cứ đội bóng nào vươn lên ở Đông Âu cũng đều đi liền với tên tuổi của một tỷ phú hoặc một thế lực nào đó, không mạnh về tài chính thì cũng có uy về chính trị.

Đấy không bao giờ là là một sức mạnh có căn cơ trong bóng đá. Nói cách khác, thành công kiểu “mì ăn liền” trong vài năm gần đây của bóng đá châu Âu là kiểu thành công rất không tự nhiên. Mà môn bóng đá, dù ở thời buổi thương mại hóa cao độ như hiện nay hay trong thời kỳ xem trọng truyền thống hàng chục năm trước, đều phải phát triển một cách tự nhiên. Nghĩa là thành công trong bóng đá không thể mua bằng tiền, cũng không thể gặt hái bằng những lá phiếu.

Chủ tịch của UEFA - Michel Platini càng cố ủng hộ lực lượng Đông Âu sau lưng mình, các tỷ phú mới càng cố đổ tiền vào các câu lạc bộ Đông Âu, thì truyền thống từng có lúc tốt đẹp của bóng đá châu Âu càng hỏng mà thôi.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.