Bóng đá phải có… derby!

02/04/2011 18:39 GMT+7

(TNO) Xin lỗi bạn đọc vì sự bắt đầu “hơi bị lạc đề” của bài viết này, nhưng đây không phải là chuyện quá lạc đề.

Ở thành phố Milan, nếu bạn không thuộc về “phe đỏ/đen” thì bạn thuộc “phe xanh/đen”, chứ không đứng giữa - Ảnh: derby-milan.com

(TNO) Xin lỗi bạn đọc vì sự bắt đầu “hơi bị lạc đề” của bài viết này, nhưng đây không phải là chuyện quá lạc đề.

Nếu muốn giải thích đến ngọn ngành khái niệm “nhậu” ở xứ ta cho một người nước ngoài thì có lẽ bạn không dễ định nghĩa đến nơi đến chốn khái niệm ấy. Nói vậy là vì khái niệm này có chút gì đó rất riêng về mặt tinh thần. Đấy là phần hồn, còn từ điển thì chỉ thể hiện được phần xác mà thôi.

Khái niệm derby trong bóng đá cũng vậy. Nó quen thuộc đến nỗi không phải giải thích khái niệm này với các cổ động viên bóng đá. Nhưng khái niệm derby quan trọng đến nỗi muốn giải thích cũng không phải dễ. Không thể ghép hai đội bóng cực kỳ nổi tiếng ở thủ đô London là Chelsea và Arsenal để hình thành một trận derby đúng nghĩa, dù nếu nhìn vào từ điển bóng đá thì đấy có thể là một trận derby. Vì sao?

Định nghĩa “hai đối thủ ở cùng một địa phương” không nói lên được phần hồn của một trận derby đích thực. Phần hồn ấy chính là tinh thần đối đầu không khoan nhượng, là thái độ ghét cay ghét đắng lẫn nhau của các cổ động viên ở hai bên chiến tuyến. Fan bên này không nói về fan bên kia là “Tôi ghét chúng”. Họ nói: “Tôi thích ghét chúng”. Đấy là vấn đề cảm xúc.

Derby London phải là Arsenal – Tottenham, bởi cặp đấu này bao hàm được ý nghĩa ghét nhau ra mặt của cổ động viên đôi bên. Cổ động viên đích thực của Tottenham dĩ nhiên là phải thấy hạnh phúc khi Tottenham thành công. Nhưng họ còn phải biết cách thưởng thức niềm vui khi Arsenal thất bại. Vế sau mới là mấu chốt trong “phần hồn” của một trận derby.

Thông thường, sự tương đồng hoặc tương phản càng cao thì ý nghĩa đối chọi của các trận derby càng tăng lên và cặp derby ấy càng trở nên hấp dẫn. Ví dụ như trận derby Milan, giữa AC Milan và Inter lúc rạng sáng Chủ Nhật này. Cuộc đụng độ giữa 2 đội đang dẫn đầu Serie A, với khoảng cách vỏn vẹn 2 điểm, dĩ nhiên là quá quan trọng. Kết quả trận này có thể quyết định số phận của scudetto 2011.

Nhưng trận derby Milan còn đáng xem hơn bởi đấy là 2 đội bóng rất giàu thành tích, và với họ thì các vấn đề uy tín, danh dự còn quan trọng hơn thành tích. Dù chỉ đứng giữa bảng chứ không phải đang dẫn đầu, AC Milan vẫn quyết đánh bại Inter. Ở thành phố Milan, nếu bạn không thuộc về “phe đỏ/đen” thì bạn thuộc “phe xanh/đen”, chứ không đứng giữa.

AC và Inter “chia đôi” Milan vì sự tương đồng về truyền thống, thành tích, uy tín. Cũng vậy, trận derby Belgrade (giữa Red Star và Partizan) sục sôi vì sự tương đồng về bạo lực của cổ động viên đôi bên. Trong khi đó, ở nhiều trận derby nổi tiếng khác, cảm xúc lại đến từ sự tương phản. Trận derby Roma (giữa Lazio và AS Roma) sục sôi vì đấy là sự đối lập về thái độ chính trị của cổ động viên đôi bên, giữa khuynh tả và khuynh hữu, giữa thượng lưu và trung lưu. Trận derby Glasgow (giữa Rangers và Celtic) là cuộc đối đầu gay gắt về tôn giáo.

Ở TBN, Barcelona và Real Madrid chẳng liên quan gì với nhau về tính địa phương. Nhưng nhìn lại lịch sử thì đấy lại là 2 đội bóng lớn có quá nhiều ân oán, quá nhiều tương đồng cũng như tương phản để tạo ra cảm xúc dạt dào như một trận derby đích thực. Thế nên, người ta cũng xem trận “El Clasico” là “derby TBN”, dù đấy đâu phải là trận derby theo đúng nghĩa trong từ điển bóng đá.

Xem bóng đá là xem phần xác. Thưởng thức bóng đá là thưởng thức phần hồn. Bóng đá mà không có các trận derby thì chắc chắn là chẳng còn gì hấp dẫn.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.