Các ông lớn thua kinh ngạc: Những sự sụp đổ tất yếu

20/11/2020 12:54 GMT+7

Xuyên suốt từ bóng đá quốc tế (tức loại hình bóng đá giữa các ĐTQG) đến bóng đá tầm CLB, chúng ta thấy ngay: hàng loạt tỷ số "ngoài sức tưởng tượng" đã liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.

Thiên hạ tỏ ra choáng váng trước trận thua 0-6 của đội tuyển Đức trước TBN ở Nations League. Nhưng kết quả ấy có bất ngờ hơn so với trận thua 2-7 của Liverpool (gặp Aston Villa ở Premier League), trận thua 2-5 của Man City (gặp Leicester ở Premier League), hoặc trận thua 2-8 của Barcelona (gặp Bayern Munich ở Campions League)?
Trong bóng đá, khi người ta đã thắng nhau 3-4 bàn trở lên, thì trong không ít trường hợp, tỷ số cuối cùng chỉ còn là vấn đề cụ thể. Vì sao hàng loạt ông lớn lại có thể thua với tỷ số không tưởng như vậy - đấy mới là vấn đề cần đúc kết.
Không hề là sự ngẫu nhiên, khi đấy đều là các trận diễn ra trong thời buổi bóng đá "sống chung với đại dịch". Ai cũng biết: đặc điểm lớn nhất của giai đoạn này là khâu chuẩn bị không còn như xưa: thời gian hạn hẹp (lịch thi đấu "dồn toa" một cách dày đặc), lực lượng không ổn định (trong một thời điểm bất kỳ, luôn có cầu thủ đang bị cách ly). Đây lại không phải là khó khăn chung, do các đội bóng có đặc điểm rất khác nhau.
Điểm chung giữa Barcelona, Man City, Liverpool và đội tuyển Đức? Họ đều chơi bóng ngay từ hàng thủ, giữ bóng nhiều, đẩy cao đội hình, đá nhanh và tích cực pressing trên sân đối phương. Đấy là lối chơi hiện đại, đòi hỏi khâu chuẩn bị phải kỹ đến mức độ coi như hoàn hảo. Trong hệ thống mà 11 cầu thủ phải gần như "đồng nhất" trong suy nghĩ, chỉ một mắt xích trục trặc thì tất cả sụp đổ. Một pha pressing sai thời điểm, sai vị trí, sẽ lập tức đẩy luôn cả đội hình vào tình trạng bị phơi bày. Đối phương tha hồ khai thác khoảng trống thênh thang sau lưng hàng thủ.

Liverpool từng có trận thua kinh hoàng 2-7

AFP

Ở hoàn cảnh bình thường, khi các đội như Man City, Barcelona hoặc Đức tấn công, đối phương dễ rơi vào cảnh thấy thua vẫn không cứu được. Vì họ quá nhuần nhuyễn, nhanh và chính xác. Giờ thì ngược lại: các đội chơi kiểu "pressing tầm cao" (báo giới thường ca ngợi bằng cụm từ này) đôi khi thấy trước nguy cơ sụp đổ, nhưng không thể làm gì khác hơn. Bởi lối chơi của họ là lối chơi định sẵn, bám chặt vào một triết lý đã định sẵn, phải dày công chuẩn bị qua bao năm tháng. Muốn đá kiểu khác cũng đâu có dễ! Đức thua TBN trong một bối cảnh như vậy. Và đấy là kiểu thua rất giống với Barcelona (trước Bayern), Liverpool (trước Villa), Man City (trước Leicester).
Tất nhiên, đấy vẫn là những đội mạnh. Nhưng nếu đối phương đủ lực, phòng thủ "cứng" và có chiến thuật hợp lý, họ rất dễ trúng "phản đòn". Trúng "phản đòn" nhiều lần, thì là vỡ trận. Đây chính là giai đoạn để các HLV chuyên về chiến thuật, giỏi "đọc" trận đấu và điều chỉnh chiến thuật ngay trong trận đấu, phát huy sở trường. Brendan Rodgers (Leicester), Dean Smith (Aston Villa), Hansi Flick (Bayern Munich), Luis Enrique (TBN)... đều thuộc dạng này.
Các đội đá chậm, thiên về phòng thủ, không ham giữ bóng, cũng đều là những đội sẽ hưởng lợi trong thời buổi này. Đấy là nguyên nhân vì sao Leicester, Villa hoặc Southampton đang bay bổng ở Premier League; giống như Real Sociedad và Villarreal ở La Liga; hoặc AC Milan, Sassuolo ở Serie A.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.