Câu chuyện về những cái tên

02/07/2010 00:02 GMT+7

Nhiều thành phố đăng cai World Cup mang hơn một cái tên, đây có lẽ là nét đặc trưng của nước chủ nhà Nam Phi.

Khu tượng đài Hàn gắn ở thành phố Bloemfontein/Mangaung - Ảnh: Đ.Hùng

Nhiều thành phố đăng cai World Cup mang hơn một cái tên, đây có lẽ là nét đặc trưng của nước chủ nhà Nam Phi.

Hôm 30.6, ngay sau trận đấu Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, chính quyền thành phố Cape Town đã ra thông cáo khẳng định tên gọi sân đấu chính thức của World Cup ở địa phương này là Cape Town Stadium (sân vận động Cape Town), chứ không phải là sân Green Point như nhiều nguồn tin khác. Chính quyền Cape Town cực chẳng đã mới phải lên tiếng về chuyện này, bởi cái tên chính thức của sân đấu đã được phê duyệt bấy lâu, trong khi báo chí và ngay cả FIFA đôi lúc cũng gọi là sân Green Point, theo tên khu vực hành chính nơi sân đấu tọa lạc.

Không liên quan mấy, nhưng chuyện tranh cãi xung quanh tên sân Cape Town làm tôi sực nhớ tới “những thành phố hai tên” ở đất nước Nam Phi. Có rất nhiều đô thị như vậy ở đây, nhưng chỉ xin đề cập tới một số thành phố đăng cai World Cup.

Bloemfontein là một thành phố nhỏ nằm trên cao nguyên miền trung. Nơi đây vừa hoàn tất sứ mệnh đăng cai World Cup sau trận đấu Anh - Đức. Khi nhắc đến thành phố này, du khách và cổ động viên bóng đá hẳn có đôi chút lúng túng khi bắt gặp cái tên Mangaung đi song song cạnh Bloemfontein. Nguồn gốc tên gọi của các thành phố hai tên (có khi ba, bốn tên) rất thú vị.

Đất nước Nam Phi, cũng như cả lục địa đen, vốn dĩ khởi nguồn là đất đai của các bộ tộc bản địa. Khi thực dân châu Âu bắt đầu hiện diện ở châu lục này, thì những cái tên rất xa lạ với người châu Phi cũng xuất hiện. Bloemfontein là một cái tên của người Hà Lan, có nghĩa là Dòng suối hoa. Còn người Sesotho bản địa vẫn gọi nó là Mangaung - tức Lãnh địa của báo gấm. Tương tự, Pretoria - một trong những thủ đô của Nam Phi - cũng còn được gọi bằng một tên khác là Tshwane. Đây là tên gọi của dòng sông Apies trong tiếng Setswana. Port Elizabeth cũng còn có tên là Nelson Mandela Bay (vịnh Nelson Mandela), khu vực hành chính trên thực tế lớn hơn cả thành phố này. Nếu như cái tên trước là do người Anh đặt, mang dấu ấn của một thời thực dân, thì cái tên sau là một cách định danh để tôn vinh lãnh tụ đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc - cựu Tổng thống Nelson Mandela.

Dưới thời thực dân và sau đó là chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid do người da trắng thiểu số lãnh đạo, cách định danh châu Âu được sử dụng phổ biến. Sau những đổi thay cách đây gần hai thập niên, với chế độ Apartheid bị xóa bỏ và một nền dân chủ ra đời, người dân Nam Phi bắt đầu tìm lại bản sắc của mình. Những cái tên theo tiếng bản địa bắt đầu có cơ hội hồi sinh mãnh liệt. Sự xuất hiện trở lại của những cách gọi Mangaung, Tshwane hay việc đặt những tên mới như Nelson Mandela Bay nằm trên tinh thần vượt thoát khỏi một quá khứ thực dân, phân biệt chủng tộc đen tối. Ở một góc độ nào đó, xu hướng này cũng tương tự như những gì đang xảy ra tại Mumbai/Bombay, Kolkatta/Calcutta... ở Ấn Độ.

Nhưng có một điểm khác biệt ở đây là, nếu như tại Ấn Độ, Mumbai xuất hiện trở lại để thay thế hoàn toàn Bombay, tương tự là cái tên Calcutta trở thành dĩ vãng khi Kolkatta hồi sinh, thì ở Nam Phi, những cái tên mang dấu ấn châu Âu vẫn đứng song song cùng những cái tên bản địa. Đây chính là nét đặc trưng của một xã hội đa sắc tộc và công cuộc hòa giải, với những sắc tộc khác nhau chung sống hòa bình ở đất nước nằm tận cùng châu Phi này.

Nam Phi, với một quá khứ thực dân dài dằng dặc và tiếp đó là chế độ Apartheid, giờ là một đất nước đa sắc tộc, với người da trắng châu Âu là một bộ phận không thể tách rời. Khi Nelson Mandela rời nhà tù của chính quyền do người da trắng nắm cách đây 20 năm, nhiều người đã e ngại về một cuộc trả thù của người da đen do chính Mandela lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc trả thù đó đã không xảy ra, và Mandela đã tiến hành một công cuộc hòa giải sâu rộng, trên nền tảng là một xã hội dân chủ. Người da đen được khôi phục vị thế, người da trắng đã không bị trả thù. Sự khôi phục những cái tên địa danh gốc châu Phi nằm trên tinh thần khẳng định vị thế của người dân bản địa, mặt khác, sự giữ lại những cái tên châu Âu cho thấy một thiện chí hòa giải. Sau bao nhiêu thế hệ, con cháu của thực dân và di dân châu Âu giờ đã trở thành một bộ phận của đất nước Nam Phi này, không thể tách rời và không thể phủ nhận. Sự tồn tại song song giữa hai - hoặc nhiều - cái tên nằm trên tinh thần đó.

Những cái tên là một câu chuyện dài, rất dài, mang cả quá khứ đi lên từ đen tối tới những ngày tươi sáng hôm nay của đất nước Nam Phi. Trên các nẻo đường World Cup 2010, đôi lúc dừng chân ở đâu đó, hỏi về xuất xứ của những cái tên, tôi đã được hiểu thêm về mảnh đất giàu đẹp này, giàu đẹp sau một quá khứ đen tối chưa xa.

Hôm lên thành phố Bloemfontein để xem trận Anh - Đức, tôi đã gặp một cụm tượng đài nhỏ bé đơn sơ mang tên Hàn gắn. Vâng, hàn gắn là một giá trị lớn lao mà đất nước từng bị chia rẽ này luôn luôn hướng tới.

Đỗ Hùng
(từ Cape Town)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.