Chỗ chưa được bàn đến

09/01/2010 08:39 GMT+7

Không thể không nhắc đến Nigeria khi người ta bàn về bóng đá châu Phi. Và đây là đề tài mới nhất, một đề tài ít ai lưu ý: Nigeria chỉ có một trọng tài được LĐBĐ châu Phi (CAF) triệu tập cho giải CAN 2010, khai mạc vào ngày mai.

Không thể không nhắc đến Nigeria khi người ta bàn về bóng đá châu Phi. Và đây là đề tài mới nhất, một đề tài ít ai lưu ý: Nigeria chỉ có một trọng tài được LĐBĐ châu Phi (CAF) triệu tập cho giải CAN 2010, khai mạc vào ngày mai.

Nói cho chính xác: đấy chỉ là một trợ lý trọng tài. Ở đâu cũng vậy, giá trị của một nền bóng đá được liệt vào hàng ngũ cường quốc không chỉ nằm ở trình độ kỹ thuật của các cầu thủ trong nền bóng đá ấy.

Cường quốc bóng đá thường có những CLB mạnh, HLV giỏi, những nhà quản lý xuất sắc bên cạnh việc sở hữu nhiều cầu thủ giỏi. Và cường quốc ấy còn phải có trọng tài giỏi. Trọng tài bóng đá ở Nigeria không giỏi, hay còn có những nguyên nhân nào khác khiến CAF không triệu tập họ đến CAN 2010?

Vế sau đúng hơn. Và đấy mới là vấn đề. Theo cựu trọng tài FIFA Bolaji Okubule của Nigeria, CAF không còn tin cậy vào sự trung thực của giới trọng tài Nigeria nữa. Trợ lý trọng tài Peter Edibe là nhân vật duy nhất được đại diện cho giới cầm cân nẩy mực trong làng bóng Nigeria được làm nhiệm vụ tại CAN 2010. Okubule bình luận: “Cho đến khi nào chúng ta chấm dứt tình trạng khai gian tuổi, uy tín của bóng đá Nigeria mới có hy vọng được phục hồi, và trọng tài Nigeria mới có hy vọng xuất hiện trên sân cỏ quốc tế”.

Chính vua sân cỏ, với nhiệm vụ chống lại mọi sự gian lận trong môn bóng đá, mà lại… ăn gian, thì còn ra thể thống gì nữa? Trọng tài Nigeria bị CAF ngó lơ là phải.

Đấy là chuyện của riêng làng bóng Nigeria. Vì sao các trọng tài Nigeria thường gian lận tuổi tác, đấy lại là chuyện khác, lớn hơn. Vấn đề đặt ra: người ta “ăn gian tuổi” làm gì nếu như điều đó không đem lại những lợi ích nào đấy? Những lợi ích làm giới trọng tài “ăn gian tuổi” chắc phải lớn hơn việc kéo dài “tuổi thọ” trên sân cỏ (FIFA quy định độ tuổi tối đa là 45). Đây có lẽ là chỗ mà FIFA xưa nay ít khi bàn đến.

“Ăn gian tuổi” được, người ta cũng sẽ làm được những chuyện gian lận khác để cải thiện cơ hội xuất hiện trên các sân cỏ quốc tế. Ví dụ, trọng tài có thể doping. Họ sẽ chạy tốt hơn, có thể sẽ tinh tường hơn, nói chung là chiếm lợi thế so với các đồng nghiệp không gian lận. Còn khi đã có lợi thế, những trọng tài gian lận sẽ hưởng lợi trong khối chuyện, từ mờ ám đến minh bạch. Hãy khoan nói đến những chuyện tiêu cực như lợi dụng nhiệm vụ để gây ảnh hưởng đến kết quả. Ngay cả trong các lĩnh vực nghiêm túc, trọng tài được cho là giỏi cũng có khối cái lợi. Nhờ nổi tiếng trên sân cỏ quốc tế mà Pierluigi Collina có hợp đồng quảng cáo, thậm chí được mời lên sàn diễn thời trang…

Làm sao để tạo sự cạnh tranh công bằng ngay cả trong giới cầm còi, đấy là điều mà FIFA chưa hề nghĩ đến. Bằng chứng hiển nhiên: xưa nay đâu thấy trọng tài nào bị kiểm tra doping ở đấu trường World Cup! CAF đề phòng các trọng tài Nigeria vốn có tai tiếng “ăn gian tuổi” là điều đáng hoan nghênh. Nhưng đấy cũng chỉ là phản ứng mang tính vi mô của giới điều hành bóng đá châu Phi. Còn ở tầm mức vĩ mô, giới điều hành bóng đá thế giới sẽ làm gì trong vấn đề này? Thậm chí, họ có thèm bàn đến tinh thần fair-play ngay trong giới trọng tài?

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.