Chuyện cái số áo

27/05/2010 08:57 GMT+7

Hôm qua, tuyển Tây Ban Nha đã giải quyết xong việc phân chia số áo cho các cầu thủ. Nếu tại đội tuyển Argentina, số áo các cầu thủ do HLV Diego Maradona chỉ định thì tại tuyển Tây Ban Nha, HLV Vicente Del Bosque là người thoải mái. Ông để các cầu thủ tự chọn số áo mình yêu thích nhất. Các cầu thủ góp mặt kỳ cựu tại đội tuyển được ưu tiên chọn số áo trước và cuối cùng mới đến lượt các tân binh.

Hôm qua, tuyển Tây Ban Nha đã giải quyết xong việc phân chia số áo cho các cầu thủ. Nếu tại đội tuyển Argentina, số áo các cầu thủ do HLV Diego Maradona chỉ định thì tại tuyển Tây Ban Nha, HLV Vicente Del Bosque là người thoải mái. Ông để các cầu thủ tự chọn số áo mình yêu thích nhất. Các cầu thủ góp mặt kỳ cựu tại đội tuyển được ưu tiên chọn số áo trước và cuối cùng mới đến lượt các tân binh.

Pedro Rodriguez là ngôi sao sáng của bóng đá Tây Ban Nha và góp công lớn giúp Barcelona đoạt cú ăn sáu trong năm 2009 nhưng anh lại là tân binh ở đội tuyển. Vì vậy, Pedro là người chọn số áo cuối cùng nên anh chỉ còn chiếc áo số 2. Với Pedro, số áo này không ổn vì anh vốn là một tiền đạo trong khi số 2 chỉ dành cho hậu vệ. Trên thế giới, ngoài tiền đạo Kallon từng khoác áo số 3 khi chơi cho Inter, hầu như chẳng có chân sút nào lại mặc số áo hậu vệ. Tại Barcelona, Pedro khoác áo số 17 nhưng số 17 đã bị hậu vệ Arbeloa “xí” trước. Nếu Pedro đổi áo số 2 cho Arbeloa thì rất hợp lý vì Arbeloa là hậu vệ và anh cũng khoác áo số 2 tại Real. Nhưng Arbeloa quyết không nhường đàn em thì Pedro cũng chịu.

Cuối cùng may cho cầu thủ của Barcelona là hậu vệ Raul Abiol đã đổi số áo anh. Như vậy, Pedro sẽ khoác áo 18 còn Albiol khoác áo số 2 tại World Cup. Sở dĩ Albiol ban đầu chọn áo số 18 vì đó là số áo anh khoác tại Real Madrid. Nhưng nếu mặc áo số 2 thì Albiol cũng không có gì phải phàn nàn vì anh là hậu vệ và đã khoác số áo này tại tuyển Tây Ban Nha dự Euro 2008. Nhờ lòng tốt của Albiol, Pedro đã khỏi phải mặc một chiếc áo “khó coi” tại Nam Phi.

Từ câu chuyện của Pedro mới thấy số áo rất quan trọng với các cầu thủ. Khi chọn áo, họ thường gắn bó với một số áo dù thay đổi CLB hay lên tuyển. Trong thời điểm mà công việc kinh doanh áo cầu thủ trở thành nghề phát đạt thì số áo sẽ trở thành thương hiệu. Cristiano Ronaldo khi chuyển sang Real Madrid và phải chuyển số áo từ 7 sang 9, anh đăng ký độc quyền luôn thương hiệu CR9 để tiện kinh doanh.

Số áo cũng là cách để thể hiện quyền uy, ảnh hưởng của cầu thủ với đội bóng. Ronaldo khi sang Real không thể giữ được áo số 7 vì nó là số áo độc quyền của Raul. Trước Ronaldo, Figo cũng không cạnh tranh nổi số áo 7 với Raul. Nếu một cầu thủ không đủ ảnh hưởng, anh ta có thể mất số áo vào tay người khác. Khi Ronaldo béo từ Barcelona sang Inter, anh lấy luôn số áo 9 của Zamorano khiến tiến đạo người Chile phải ôm hận với số áo 18 được ghi thành “1+8” để tỏ ý nhớ nhung số áo cũ.

Với các cầu thủ, số áo có thể quan trọng đến vậy nhưng với các CĐV, số áo không làm ra cầu thủ. Kaka luôn được CĐV nhớ đến như cầu thủ số 10 xuất sắc nhưng ở cấp CLB, Kaka chẳng mấy khi khoác áo số 10 vì khi ở Milan, anh nhường nó cho Seedorf còn ở Real, anh nhường nó cho Van der Vaart. Giả sử rằng Pedro cứ khoác áo số 2 ở World Cup mà ghi bàn thường xuyên như ở Barcelona thì người ta sẽ nhớ nhiều đến anh hơn so với việc anh khoác áo 18 hay 9 mà không được ra sân, không ghi được bàn.

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.