Chuyện chỉ có ở Nam Mỹ

03/10/2010 09:04 GMT+7

Một đội bóng vừa thăng hạng đã lập tức đoạt ngôi vô địch, hoặc vừa vô địch đã lập tức rớt hạng, đấy đều là những chuyện có thể xảy ra trong làng bóng châu Âu, thậm chí đã xảy ra thật ở nhiều giải lớn.

Một đội bóng vừa thăng hạng đã lập tức đoạt ngôi vô địch, hoặc vừa vô địch đã lập tức rớt hạng, đấy đều là những chuyện có thể xảy ra trong làng bóng châu Âu, thậm chí đã xảy ra thật ở nhiều giải lớn.

Nhưng trên lý thuyết không thể có một đội vô địch và rớt hạng trong cùng một mùa bóng, trừ phi đấy là chuyện vô địch hoặc rớt hạng… trên bàn họp, như Juventus trong scandal Calciopoli ở Ý cách đây vài năm.

Nhưng chuyện vô địch và rớt hạng cùng lúc lại rất có thể xảy ra trong mùa bóng này tại Argentina. Nếu có hứng thú với nền bóng đá từng sản sinh Diego Maradona, hẳn bạn sẽ biết đến cái tên River Plate. Ngày xưa, đấy là đội bóng của Di Stefano hoặc Omar Sivori. Gần đây, những ngôi sao lừng lẫy như Kempes, Caniggia, Crespo, Batistuta, Saviola, Ortega, Cambiasso, Mascherano… đều đã tỏa sáng trong màu áo CLB này. River Plate đã 33 lần đoạt chức vô địch Argentina (một kỷ lục), 2 lần đăng quang ở Copa Libertadores – giải vô địch Nam Mỹ tầm CLB, tương đương Champions League của châu Âu. Một đội như thế, nếu lại lên ngôi lần nữa trong mùa bóng này thì cũng chẳng có gì lạ. Có lúc, River Plate chỉ đứng cách đội đầu bảng 2 điểm và giải Vô địch Argentina hiện thời, gọi chính xác là Apertura 2010-2011, sẽ chỉ kết thúc vào tháng 12.

Mỗi mùa bóng, Argentina có đến 2 giải vô địch: giải Apertura thường diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12 và giải Clausura thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6. Ở mỗi giải, 20 đội bóng thi đấu vòng tròn 1 lượt, chọn nhà vô địch. Thôi thì bóng đá Nam Mỹ xưa nay vốn nhiều màu sắc, xem riết cũng quen. Điều đáng nói là: khi bạn đi ngược với trào lưu chung (mà cụ thể ở đây là thể thức tranh giải VĐQG), sẽ chỉ có 2 kết cục: được mọi người tán thưởng vì khả năng sáng tạo, hoặc bị cho là lập dị, thậm chí điên rồ. Ngày xưa, bóng đá Anh nghĩ ra thang điểm 3 cho mỗi trận thắng để khuyến khích các đội tấn công. Cả thế giới lập tức bắt chước cách tính điểm như thế. Đấy là ví dụ về sự tán thưởng dành cho tính sáng tạo. Cách chia mùa bóng thành 2 giải Clausura và Apertura của Argentina thì chỉ có vài nước Nam Mỹ khác học theo, và chẳng có gì lạ khi thể thức lập dị ấy chẳng dẫn đến hệ quả hay ho gì.

Trên nguyên tắc, càng đá ít trận thì khả năng xảy ra bất ngờ càng cao. Để ngăn ngừa bất ngờ kiểu đội mạnh rớt hạng, Argentina lại nghĩ tiếp thể thức rớt hạng rất cầu kỳ: tính điểm bình quân trong 3 năm (tức trong 6 giải VĐQG) để chọn 2 đội rớt hạng, 2 đội phải đá play-off với 2 đội phía dưới. Thời điểm rớt hạng là sau khi giải Clausura kết thúc (vào tháng 6). Như vậy, mỗi năm Argentina có từ 2-4 đội rớt hạng, và một người hâm mộ bình thường không thể biết được đấy là những đội nào. Vì không biết, hoặc không ngờ, nên giới hâm mộ River Plate phải nhảy nhổm trong tháng trước: khi River đe dọa chiếm ngôi đầu bảng thì kết quả trung bình cộng trong 3 năm cho thấy đội này đứng thứ 18 ở bảng điểm chọn đội rớt hạng!

Vô địch và rớt hạng cùng lúc đã là quá… điên rồi. Chưa kể, nếu River Plate rớt hạng thì sẽ tính điểm trong 3 mùa bóng thế nào để họ lên hạng? Dĩ nhiên, đấy phải là 3 mùa liên tiếp ở đẳng cấp hạng Nhì. Và người ta sẽ phải lần ngược lại hàng chục năm xem 2 mùa gần nhất ở giải hạng Nhì trước đó của đội này là như thế nào!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.