Chuyện của John Terry

03/02/2010 09:26 GMT+7

HLV Vittorio Pozzo, người đã đưa tuyển Ý giành 2 chức vô địch World Cup liên tiếp năm 1934 và 1938, đã có một phương pháp làm việc rất khác người: ông cho những cầu thủ ghét nhau ở cùng phòng khách sạn trước các trận đấu. Mỗi sáng, Pozzo dạo qua các phòng đặt “bom nổ chậm” một lần để kiểm tra xem “những kẻ ăn thịt đồng loại” đã “ăn thịt” lẫn nhau chưa.

HLV Vittorio Pozzo, người đã đưa tuyển Ý giành 2 chức vô địch World Cup liên tiếp năm 1934 và 1938, đã có một phương pháp làm việc rất khác người: ông cho những cầu thủ ghét nhau ở cùng phòng khách sạn trước các trận đấu. Mỗi sáng, Pozzo dạo qua các phòng đặt “bom nổ chậm” một lần để kiểm tra xem “những kẻ ăn thịt đồng loại” đã “ăn thịt” lẫn nhau chưa.

Cách làm này của Pozzo đã thành công, bằng chứng là các danh hiệu vô địch của ông. Các cầu thủ mới đầu ghét nhau, nhưng vì phải ở chung với nhau, thời gian làm họ cảm thông nhau hơn và bất đồng tiêu tan. Nếu Capello có gọi Terry và Bridge vào tuyển Anh lên đường đi Nam Phi dự World Cup 2010, ông nên tham khảo cách làm của người đồng hương của mình.

Song phải thừa nhận ít ai có suy nghĩ như Pozzo. Về sau chẳng HLV nào dám áp dụng điều đó. Nhất là bây giờ, khi tiền bạc bơm càng nhiều vào bóng đá, một vị trí trong đội hình không chỉ còn là danh tiếng hão mà còn trị giá bằng rất nhiều tiền bạc. Hai người cùng cạnh tranh một vị trí trong đội hình có thể gọi là đồng đội cũng được hay gọi là đối thủ cũng không sai, sự va vấp của anh là cơ hội lớn cho tôi. Những tuyên bố “có anh ta thì không có tôi” giờ trở thành chuyện thường ngày.

Tại World Cup 1986, thủ môn Uli Stein đã cởi trần phơi nắng trên băng ghế dự bị tuyển Đức để phản đối việc HLV Beckenbauer hứa trao khung thành cho anh nhưng cuối cùng lại tin Schumacher. Beckenbauer sau phải đuổi Stein về nước để dẹp chuyện. 20 năm sau, người Đức có vẻ thay đổi khi Kahn xuống sân động viên Lehmann trước loạt thi sút luân lưu 11m ở trận tứ kết World Cup với Argentina. Hành động đó trước truyền hình đẹp lắm, song ai cũng ngầm hiểu với nhau Kahn mặt cười nhưng lòng đau.

Trở lại chuyện của Terry. Tại sao Terry và Bridge không thể cùng chung một đội bóng được nữa? Hai cầu thủ này không hề cạnh tranh vị trí của nhau nên không thể là đối thủ của nhau trong đội bóng. Trước đây, họ cũng đã là bạn rất thân của nhau trong thời gian 5 năm Bridge chơi bóng cho Chelsea.

Bridge có lẽ hơi nặng nề trong câu chuyện tình ái đang diễn ra với Terry. Terry quan hệ với Vanessa, bạn gái cũ của Bridge, sau khi Bridge đã chia tay với cô ta. Giữa Bridge và Vanessa trước chưa có khế ước hôn nhân và càng chẳng liên hệ gì sau khi họ “đường ai nấy đi”. Chẳng ai chê cười Bridge bị cắm sừng và cái sự ghen của anh là vô lý.

Có lẽ nên gửi cho Bridge cuốn DVD phim “What Just Happened” do tài tử De Niro đóng vai chính. Trong phim có đoạn thoại: “Vì sao anh đi lại với vợ cũ của tôi?” - “Cô ấy không ràng buộc gì với anh, sao anh phải bận tâm” - “Nhưng anh có gia đình rồi mà?” - “À, vì tôi không cảm thấy hạnh phúc với vợ mình”.

Terry cũng có thể trả lời như vậy. Điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến lối chơi, đến sự tận tâm của anh với tuyển Anh và Chelsea. Bằng chứng là Chelsea vẫn tín nhiệm anh đeo băng thủ quân và anh vừa ghi bàn giúp Chelsea chiến thắng. Chắc chắn chuyện này chẳng lớn như vậy nếu Terry lăng nhăng với một cô gái khác chứ không phải là bạn gái cũ của Bridge. Rất nhiều cầu thủ, kể cả những người đáng kính như Pele, Beckenbauer cũng nhiều lần ong bướm trăng hoa. Ở vào hoàn cảnh “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” như Terry lại càng dễ.

Song giới truyền thông lại coi mô-típ “câu vợ bạn” (dù bản chất không phải vậy) này rất ăn khách. Họ tập trung khai thác từ bước này sang bước khác rất bài bản nhằm mục đích câu độc giả. Sự việc không tới mức nghiêm trọng đến vậy. Do vậy, Terry, Bridge, Capello nên ngồi lại nói chuyện với nhau, để đừng trở thành “vật liệu” cho dây chuyền sản xuất của giới truyền thông.

Đinh Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.