Chuyện trò thắng thầy

01/05/2010 08:24 GMT+7

Trong Cô Gái Đồ Long, Thành Khôn vốn là sư phụ của Tạ Tốn, nhưng rút cuộc lại thua Tạ Tốn vì không hiểu rõ con người đệ tử. Lúc thầy trò họ quyết chiến với nhau, Tạ Tốn nhường Thành Khôn 3 chiêu, chấp nhận không trả đòn mà cũng không né tránh, để trả lại ân nghĩa năm xưa. Kẻ đại ác Thành Khôn khi ấy mới tiếc ngẩn: nếu biết con người Kim Mao Sư Vương là như vậy, hắn đã tung đủ 10 thành công lực thay vì chỉ đánh đại khái để thăm dò trong 3 chiêu đầu!

Trong Cô Gái Đồ Long, Thành Khôn vốn là sư phụ của Tạ Tốn, nhưng rút cuộc lại thua Tạ Tốn vì không hiểu rõ con người đệ tử. Lúc thầy trò họ quyết chiến với nhau, Tạ Tốn nhường Thành Khôn 3 chiêu, chấp nhận không trả đòn mà cũng không né tránh, để trả lại ân nghĩa năm xưa. Kẻ đại ác Thành Khôn khi ấy mới tiếc ngẩn: nếu biết con người Kim Mao Sư Vương là như vậy, hắn đã tung đủ 10 thành công lực thay vì chỉ đánh đại khái để thăm dò trong 3 chiêu đầu!

Tương tự là đoạn Lệnh Hồ Xung tỷ kiếm với sư phụ Nhạc Bất Quần trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Họ Nhạc mưu mô thâm hiểm, rút cuộc đã đoạt được Tịch Tà kiếm phổ của nhà họ Lâm và trở thành kiếm khách vô địch, đoạt ghế chưởng môn phái Ngũ Nhạc. Khi đụng độ “cựu” sư phụ, Lệnh Hồ Xung có thể cầm cự chẳng qua cũng vì thời gian luyện Tịch Tà kiếm pháp của Nhạc Bất Quần chưa được nhiều. Không thua nhưng cũng khó thắng, Lệnh Hồ Xung đành chọn hạ sách “lưỡng bại câu thương”, nghĩa là tung đòn chí mạng để đôi bên cùng chết. Kỳ thực, Lệnh Hồ Xung dù uống thuốc liều cũng chẳng bao giờ dám phóng kiếm vào người sư phụ, kể cả khi đã biết rõ lão sư phụ cũ ấy chỉ là tay ngụy quân tử, nham hiểm và dối trá. Nhạc Bất Quần tuy nuôi Lệnh Hồ Xung từ bé nhưng không hiểu rõ con người của Lệnh Hồ Xung nên hốt hoảng biến chiêu, bỏ qua cơ hội chiến thắng.

Trong lĩnh vực quyết đấu, dù là truyện chưởng của Kim Dung hay những diễn biến có thật của bóng đá quốc tế, trò đối đầu với thầy khi nào cũng là những cuộc so tài hấp dẫn, ở cả khía cạnh con người, khía cạnh hiểu biết, chứ không chỉ hấp dẫn về mặt chuyên môn. Ở Champions League, ngay khi Bayern Munich đại thắng trên sân Lyon ở trận bán kết lượt về, người ta đã hào hứng chờ xem cuộc đụng độ giữa HLV Louis Van Gaal và học trò cũ trong trận chung kết. Van Gaal vốn là “thầy” của cả Jose Mourinho ở Inter Milan lẫn Pep Guardiola ở Barcelona. Bây giờ, kết quả đã rõ: đối thủ của Van Gaal trong trận chung kết Champions League sẽ là Mourinho danh tiếng.

Hồi còn ở Barcelona, Van Gaal là HLV trưởng trong khi Mourinho chỉ là trợ lý, sau đó được Van Gaal cất nhắc lên ghế HLV trưởng của… đội B. Báo chí Đức hào hứng cho rằng Van Gaal đã biết tỏng những suy nghĩ của Mourinho trong nghề huấn luyện. Có thật như thế hay không, chỉ có chính Van Gaal mà Mourinho hiểu rõ. Tất nhiên, Van Gaal hiểu Mourinho bao nhiêu thì trên nguyên tắc, Mourinho cũng hiểu Van Gaal bấy nhiêu.

Trên thực tế, lúc còn là “học trò” của Van Gaal, bản lĩnh cũng như kinh nghiệm, tài năng của Mourinho đâu có được như bây giờ, mà bảo Van Gaal hiểu rõ. Khi ấy, Mourinho thậm chí chẳng có gì để Van Gaal thấy. Ngược lại, những gì làm cho Van Gaal trở thành một HLV hàng đầu thế giới, Mourinho khi ấy đã thấy hết cả! Nếu cho rằng trận chung kết Champions League sẽ được quyết định bởi vấn đề “biết người biết ta”, thì có lẽ nên nói rằng Mourinho hiểu Van Gaal nhiều hơn. Cũng như trong truyện, Lệnh Hồ Xung và Tạ Tốn hiểu rõ con người, võ công của Nhạc Bất Quần và Thành Khôn hơn là chiều ngược lại.

Trò thắng thầy, trò giỏi hơn thầy, thì đấy mới là điều kiện phát triển. Xã hội hay bóng đá cũng đều như vậy, sóng sau đè sóng trước. Hãy chờ xem, học trò Mourinho sẽ thắng thầy Van Gaal như thế nào!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.