Có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”

28/03/2010 10:03 GMT+7

Thông thường, chỉ có các đội bị cho là yếu mới phải chăm chú nghiên cứu đối phương đến mức độ “biết người biết ta”. Còn với các đội quá mạnh, người ta thường chỉ nghiên cứu đối thủ như một sự thận trọng cần thiết (hơn là nghiên cứu để tìm cách thắng).

Thông thường, chỉ có các đội bị cho là yếu mới phải chăm chú nghiên cứu đối phương đến mức độ “biết người biết ta”. Còn với các đội quá mạnh, người ta thường chỉ nghiên cứu đối thủ như một sự thận trọng cần thiết (hơn là nghiên cứu để tìm cách thắng).

Đôi khi, việc tìm hiểu đối phương thực chất chỉ là cách để đội mạnh chứng tỏ với thiên hạ rằng họ tuy mạnh vẫn biết khiêm tốn. Nhưng cũng có lúc, các đội mạnh thật sự thành công nhờ châm ngôn “biết người biết ta”, hoặc nói đúng hơn là bằng các phiên bản khác của châm ngôn ấy.

Chỉ vài ngày nữa, giải bóng đá số 1 thế giới tầm CLB, Champions League khai diễn vòng tứ kết, coi như bắt đầu cuộc đua nước rút đến ngôi vô địch. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn giá trị của các phiên bản “biết người biết ta” ở đấu trường này.

Năm nay, nước Pháp có đến 2 đội góp mặt ở Champions League. Một bất ngờ lớn. HLV Laurent Blanc của đội Bordeaux lý giải: “Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chiến thắng là sự tự tin”. Nhờ tự tin mà Bordeaux thủ hòa trên sân Juventus ngay trận ra quân ở Champions League, để rồi từ đó thắng mãi đến nay. Theo Blanc, Lyon không thua trên sân Real Madrid cũng nhờ tự tin. Sự tự tin của Bordeaux và Lyon phải được hiểu là họ biết rõ khả năng của mình, biết mình không thua đối phương. Trong ví dụ này, “biết mình” quan trọng hơn “biết người”.

Bayern Munich đang muốn vận dụng bài học của Lyon và Bordeaux khi họ chuẩn bị đụng độ với M.U ở Champions League. HLV Louis Van Gaal quả quyết: “Chúng tôi muốn thắng trên mọi trận địa, muốn đạt thành tích ăn 3”. Van Gaal muốn các cầu thủ Bayern ít ra cũng không khiếp nhược, không đối đầu với M.U bằng thái độ tự ti của kẻ yếu? Muốn là một chuyện, có làm được hay không lại là chuyện khác.

Thế còn kẻ mạnh? Barcelona nói chung cũng như Lionel Messi nói riêng trong những ngày này có vẻ như đang chuẩn bị làm gỏi Arsenal. Giới cầm bút riết rồi cũng đã dùng hết từ ngữ tốt đẹp để khen ngợi Messi trong những ngày qua. Thế rồi, trong một bài viết trên tờ Guardian, có người lại chọn đề tài theo kiểu quyết không “đụng hàng”, cố gắng (một cách khiên cưỡng) chứng minh rằng Messi chỉ là hiểm họa yếu nhất trong cơ man những hiểm họa mà thầy trò Arsene Wenger sẽ phải đối đầu. Chẳng hạn, Arsenal còn sợ cảnh Cesc Fabregas đổi áo sau khi trận đấu kết thúc, để rồi hình ảnh “Fabregas trong màu áo Barcelona” xuất hiện tràn ngập trên mặt báo sau đó…

Nếu như cân sức, bạn nên làm cho đối phương tưởng rằng mình yếu, cơ hội chiến thắng sẽ đến. Nếu như quá yếu, bạn nên làm cho đối phương tưởng rằng mình mạnh. Đối phương sẽ phải thận trọng, và bạn tránh được tổn thất lớn. Đấy là cách Bayern đang làm, trước M.U. Còn cách của Barcelona: nếu chỉ mạnh hơn một tí, bạn nên làm cho đối phương tưởng mình rất mạnh. Họ sẽ khiếp đảm và tự thua.

Sự thật là Barcelona ở thời điểm này đã thua hẳn thời điểm họ được thế giới tâng bốc nhờ “cú ăn 6”. Hơn ai hết, HLV Guardiola đã thấy những giới hạn của mình. Nhưng Barcelona mà lại khiêm tốn thì có ích gì? Tốt nhất, cứ cố tình biểu dương sức mạnh cho đối phương sợ hãi và mất đi ít nhiều khả năng kháng cự, có lợi hơn. Đây cũng là một phiên bản hay của sự “biết người biết ta”: làm cho đối phương hiểu sai về mình.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.