Đá giao hữu để làm gì?

29/05/2010 08:47 GMT+7

Nếu bạn thích xem bóng bàn, hãy để ý màn khởi động giữa 2 tay vợt trước khi bước vào ván đấu. Họ đánh bóng qua lại thật đều, như là một cách làm quen với cảm giác bóng ngoài chuyện làm nóng cũng như tự tạo cảm giác hưng phấn. Họ đánh rất đẹp, rất chuẩn. Đường bóng qua lại nhiều, xem mãi mới thấy một pha đánh hỏng. Đôi bên đánh trái rồi lại đánh phải, cắt bóng…

Nếu bạn thích xem bóng bàn, hãy để ý màn khởi động giữa 2 tay vợt trước khi bước vào ván đấu. Họ đánh bóng qua lại thật đều, như là một cách làm quen với cảm giác bóng ngoài chuyện làm nóng cũng như tự tạo cảm giác hưng phấn. Họ đánh rất đẹp, rất chuẩn. Đường bóng qua lại nhiều, xem mãi mới thấy một pha đánh hỏng. Đôi bên đánh trái rồi lại đánh phải, cắt bóng…

Tất nhiên, chẳng ai nhất thiết phải thắng trong màn khởi động ấy, bởi đánh thắng một pha bóng trong màn khởi động là điều vô nghĩa. Nhưng đôi khi, cũng có tay vợt “rắp tâm” giành chiến thắng khi khởi động.

Bạn có quả phải sở trường nhưng lại yếu ở quả trái. Khi khởi động, bạn lại âm thầm “nắn nót” kỹ quả trái, thỉnh thoảng còn “lén” tăng lực, và thắng trong hoàn cảnh đối phương không hề cảnh giác, cũng chẳng sợ thua. Để làm gì? Ngoài chuyện dượt lại sở đoản, bạn còn có thể đánh lừa đối phương, lừa cả người xem. Đối thủ nghĩ bạn sở trường đánh trái, nên sẽ dồn bóng vào quả phải của bạn khi bước vào ván đấu thực. Mặt khác, bạn có thể tự tạo cảm giác yên tâm nếu đánh hàng loạt quả trái (sở đoản) chuẩn xác trong màn khởi động.

Hàng chục trận đấu giao hữu đã, đang và sẽ diễn ra ngay trước VCK World Cup cũng giống như vậy. Giống nhất là ở chỗ: đấy thật sự là các trận đấu vô nghĩa, chẳng ai sợ thua cũng như không ai đặt nặng mục tiêu chiến thắng. Chỉ có những người trong cuộc thật sự hiểu rõ họ muốn gì trong các trận đấu loại này. Tất nhiên, báo chí thỉnh thoảng cũng cố dựa vào các trận giao hữu để có cơ sở nhận định một cách nghiêm túc về đội bóng hoặc cầu thủ nào đấy. Mặc kệ!

Vô nghĩa chứ không phải vô ích. Chẳng qua, mỗi đội thi đấu giao hữu với mỗi ý đồ khác nhau (trong đó chiến thắng thường không phải là ý đồ tối thượng). Nếu đội bóng của bạn tấn công rất hay nhưng không giỏi phản công, bạn sẽ chơi phản công là chính khi đá giao hữu. Bạn và đồng đội sẽ ghi bàn từ những pha phản công đặc sắc, nhất là trong hoàn cảnh đối phương không nhất thiết phải cẩn thận. Cũng giống như tay vợt bóng bàn muốn thắng một quả đánh trái trong lúc khởi động thì… dễ như bỡn, ý đồ có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Muốn thể hiện khả năng phản công, bạn phải nhường cho đối phương quyền kiểm soát bóng, quyền tấn công, cứ như chính bạn tất công rất tồi. Báo chí mặc sức mổ xẻ, nghiên cứu, phê bình đội bóng của bạn theo những hình ảnh trong trận giao hữu, có sao đâu! Điều quan trọng nhất là khi lâm trận, đối phương có thể lầm to khi nghĩ bạn và đồng đội tấn công rất tồi, chỉ giỏi phản công, và chọn chiến thuật theo những cơ sở ấy.

Hóa ra, các trận giao hữu tuy vô nghĩa về kết quả nhưng lại cực kỳ quan trọng về mặt ý đồ. Thế nên, người ta cứ đá giao hữu hà rầm, dù kỳ World Cup hay Euro nào cũng có cầu thủ bị loại khỏi VCK vì chấn thương khi đá giao hữu hoặc đá tập. Một đội đang gặp khó khăn có thể rắp tâm đá “thật”, đã vậy lại chọn đối thủ thuộc diện biết chắc là không cần đá để thắng. Chiến thắng trong bối cảnh ấy sẽ tạo cảm giác hưng phấn cho các tuyển thủ, tạo tâm lý tự tin cho các cầu thủ vốn không mấy thành công trước giải. Đấy là một ví dụ khác, là một trong rất nhiều lý do để đá giao hữu.

Bóng đá giao hữu là vậy. Bản thân nó không xấu, cũng chẳng tốt. Xấu hay tốt là do cách nhìn của giới quan sát mà thôi.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.