Đi ngược trào lưu chung

02/09/2010 07:59 GMT+7

Đợt chuyển nhượng mùa hè 2010 đã chính thức khép lại, với sức mua sắm ở Premier League giảm bớt 22% so với năm ngoái. Doanh số chuyển nhượng trên khắp châu Âu cũng ít hơn hẳn so với mùa hè 2009.

Đợt chuyển nhượng mùa hè 2010 đã chính thức khép lại, với sức mua sắm ở Premier League giảm bớt 22% so với năm ngoái. Doanh số chuyển nhượng trên khắp châu Âu cũng ít hơn hẳn so với mùa hè 2009.

Cộng cả 5 vụ chuyển nhượng lớn nhất châu Âu kỳ này là David Villa, David Silva, James Milner, Mario Balotelli, Angel Di Maria, vẫn chưa sánh được với riêng một Real Madrid năm ngoái (mua về Kaka, Cristiano Ronaldo, Karim Benzema, và vài cầu thủ khác). Đây không chỉ là trào lưu thắt lưng buộc bụng vì khó khăn chung về kinh tế, mà còn là các đội bóng lớn phải chuẩn bị cho thời kỳ fair-play tài chính mà UEFA sẽ áp dụng từ mùa bóng tới.

Khi mà Bayern Munich không mua thêm bất cứ cầu thủ nào thì điều đó không có nghĩa là Bayern đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Ngược lại là đằng khác: đội bóng số 1 nước Đức hiện đang giàu mạnh hơn bao giờ hết. Cũng vậy, không bao giờ M.U… hết giàu, cho dù đội bóng của Alex Ferguson tỏ ra thầm lặng trong mùa chuyển nhượng vừa qua. Chelsea cũng vậy. Ngược lại, chính các đội đứng trước nguy cơ phá sản, phải bán đổ bán tháo để tránh sập tiệm, lại là các đội chưa bao giờ nổi tiếng về chuyện mua sắm văng mạng. Valencia chẳng hạn. Mùa chuyển nhượng này, Valencia dẫn đầu trong cả 2 bảng xếp hạng: bán nhiều nhất (thu 84 triệu euro từ tiền bán cầu thủ), và lời nhiều nhất (thu 51 triệu euro sau khi trừ đi chi phí mua cầu thủ mới). Quy định fair-play tài chính là nhằm vào Valencia hay những đội như Real Madrid, Barcelona, Chelsea?

Tóm lại, tình trạng giảm chi của các đội như Chelsea, Bayern, M.U nói lên một trào lưu mới trong bóng đá nhà nghề hơn là nói rằng các đội nổi tiếng nay đã hết tiền. Thông thường, trào lưu mới nói lên cách suy nghĩ mới, thường là cách nghĩ tiến bộ, của số đông. Nhất là khi trào lưu ấy lại gắn với những đội bóng lừng lẫy danh tiếng. Nếu không giỏi giang trong lĩnh vực mà xứ ta quen gọi một cách bình dân là “làm bóng đá”, không biết nên làm thế nào cho đúng, thì tốt nhất là cứ noi theo những gì M.U, Chelsea hoặc Bayern đang làm.

Đội Manchester City ở Anh, và một vài đội bên Nga, hình như không mấy quan tâm đến trào lưu chung. Nếu chỉ tính tiền mua cầu thủ thuần túy thì Manchester City chi đến 146 triệu euro trong mùa hè này, dĩ nhiên là dẫn đầu “tốp 5”, với cách biệt gần gấp đối so với các đội đứng ngay sau đó là Real Madrid và Barcelona. Nếu tính chi phí bỏ ra theo nghĩa đã trừ đi số tiền bán cầu thủ, thì Manchester City vẫn đứng đầu với 122 triệu euro. Và nước Nga có đến 2 đội lọt vào “tốp 5” trong cách tính này: Zenit St Petersburg và Rubin Kazan (họ đều đứng trên Barcelona). Giới quan sát có bao giờ nể Manchester City, Zenit và Rubin hay không, chắc cũng chẳng cần thăm dò. Zenit vừa bị đội Auxerre của Pháp cho ra rìa ở vòng play-off Champions League. Điều quan trọng là: khi các đội bóng chưa bao giờ vươn đến đẳng cấp đại gia mà không đoái hoài đến trào lưu chung, chúng ta cũng đã có thể nhận định đôi điều về khả năng phát triển của họ.

Những đội như thế trông cũng giống như những anh nhà quê lên tỉnh, tiền bạc rủng rỉnh đến mấy đi nữa thì cũng chẳng bao giờ trở nên sang trọng nếu họ không có khái niệm thời trang, lại chẳng chịu ngó xung quanh xem người ta ăn mặc, mua sắm thế nào. Trong bóng đá, bề dày truyền thống chính là sự sang trọng, còn sức mua cầu thủ chỉ là quần áo bên ngoài.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.