Đồng sắc, dị chất

30/03/2010 08:30 GMT+7

Tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (AIGs 3), tay đấm Ngô Thị Phương đã đem về chiếc HCV quyền Anh cho Việt Nam ở hạng cân 48kg.

Tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (AIGs 3), tay đấm Ngô Thị Phương đã đem về chiếc HCV quyền Anh cho Việt Nam ở hạng cân 48kg.

Chiếc huy chương này mang tính lịch sử bởi là HCV đầu tiên ở đấu trường châu Á của quyền Anh nữ Việt Nam. Thế nhưng, sau đó 2 tháng, ở đấu trường có đẳng cấp thấp hơn là SEA Games 25 (tổ chức tại Lào), Ngô Thị Phương lại bị một tay đấm Philippines hạ knock-out ngay trong trận ra quân.

...Dĩ nhiên, người hạ Ngô Thị Phương đã không có mặt ở giải đấu trước đó 2 tháng. Nói ra điều này không phải để giảm đi giá trị chiếc HCV mà Ngô Thị Phương đạt được tại AIGs3. Chiếc huy chương màu vàng của Ngô Thị Phương vẫn được lưu dấu lịch sử đấy thôi. Nhưng khi hiện tại trả lời một thực tế khác hẳn thì lịch sử cần phải được nhìn nhận lại chính xác, tích cực và đúng đắn hơn. Có như vậy, quyền Anh nữ Việt Nam mới biết sức mạnh thật sự của mình, vị trí ở đâu mà từ đó phấn đấu, nỗ lực hơn nữa.

Điều này cũng ứng với 3 HCV và 1 HCĐ mà muay Việt Nam vừa đạt được tại giải VĐTG tổ chức Bangkok vào cuối tháng 3. Đạt 3 HCV ở giải đấu này là đồng nghĩa 3 võ sĩ Phan Ngọc Linh (54kg), Nguyễn Trần Duy Nhất (60kg) và Lê Hữu Phúc (51kg) bất bại ở đẳng cấp thế giới. Nhưng chính xác, họ chỉ bất bại ở giải đấu năm 2010, giải đấu còn vắng mặt rất nhiều anh tài vì tình hình chính trị bất ổn ở thủ đô Thái Lan.

Có lẽ Nguyễn Trần Duy Nhất cũng hiểu rõ điều này. Anh từng đạt HCV tại AIGs 3 nhưng đến SEA Games 25 thì chỉ đạt HCB khi thúc thủ trước 1 võ sĩ Thái Lan vốn không tham dự tại giải đấu cấp châu lục trước đó.

Cả quyền Anh lẫn muay trong trường hợp này đều “hụt” vàng ở những giải đấu có đẳng cấp thấp hơn. Tưởng là nghịch lý nhưng hoàn toàn logic vì phản ánh đúng tiềm lực 2 môn thể thao này của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một trường hợp khác: Tại AIGs 3, “nữ hoàng judo Đông Nam Á” Văn Ngọc Tú đoạt HCV môn kurash (môn thi gần giống judo nhưng chỉ sử dụng đòn đánh đứng) chỉ sau 3 tháng làm quen. Trên lý thuyết, Tú là nữ võ sĩ số 1 châu Á môn này nhưng cô vẫn chia sẻ thẳng thắn: “Mong ước lớn nhất của tôi là đoạt được huy chương judo châu Á kìa”. Rõ ràng có sự khác hẳn trong cách cảm nhận của Văn Ngọc Tú về cái màu vàng môn kurash (của thực tế) và sự lấp lánh ánh vàng (của ước mơ) môn judo. Chính judo, đã là môn Olympic, mà Ngọc Tú “mài công” luyện tập gần 10 năm nay đã tạo cơ hội cho cô đến với Kurash, mới chỉ là môn thể thao trong nhà của khu vực, số lượng người chơi ít ỏi, sức cạnh tranh không cao. Tú hiểu mồ hôi, nước mắt trên từng mặt trận thi đấu mà cô trải nghiệm.

Rõ ràng, những tấm huy chương màu vàng đôi khi không đủ sức chứng minh: “Tôi là kẻ bất bại”.

Hiếu Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.