Đừng quên người nghèo

20/07/2010 00:24 GMT+7

Việc những người dân nghèo ở nông thôn, ở những vùng sâu vùng xa bây giờ gần như đều có điện và có tivi trong nhà để theo dõi chương trình các đài truyền hình là một điều rất đáng mừng ở Việt Nam.

Việc những người dân nghèo ở nông thôn, ở những vùng sâu vùng xa bây giờ gần như đều có điện và có tivi trong nhà để theo dõi chương trình các đài truyền hình là một điều rất đáng mừng ở Việt Nam.

Cũng rất đáng mừng, là từ nhiều năm nay, người dân nghèo được xem miễn phí hoặc chỉ trả với phí rất thấp các giải bóng đá hàng đầu châu Âu như giải Ngoại hạng Anh, La Liga, Series A… Nhất là với giải Ngoại hạng Anh, dân mê bóng đá Việt Nam - kể cả người nông dân - đều gần như thuộc tên từng cầu thủ, từng đội bóng, có lẽ cũng không hề thua kém chính những người dân Anh mê bóng đá.

Những chương trình phát trực tiếp các giải bóng đá quốc tế qua tivi đã không chỉ đơn thuần là những chương trình thể thao giải trí, mà nó đã là những chương trình thể thao - văn hóa. Sự hiểu biết của người dân bình thường ở Việt Nam về bóng đá Anh hay Tây Ban Nha chẳng hạn, đã được nâng lên thành những hiểu biết về những nền văn hóa khác, về những tinh hoa và cả những tồn tại của những quốc gia phát triển. Bóng đá đã thành cầu nối cho văn hóa, cho tình hữu nghị, cho sự hiểu biết lẫn nhau và xích lại gần nhau giữa các quốc gia, các dân tộc.

Khi được Đảng và Nhà nước giao cho nhiệm vụ thông tin tuyên truyền tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao… thì các đài truyền hình ở Việt Nam, đặc biệt là VTV, đã nhận thức rõ đó là nhiệm vụ chính trị của mình. Vì như thế, từ VTV tới các đài truyền hình địa phương mới được Nhà nước cấp ngân sách và thường xuyên được nâng cấp trang thiết bị và điều kiện hoạt động. Dù bây giờ có “xã hội hóa” tới đâu, có liên doanh hay liên kết trong kinh tế như thế nào, thì trên danh chính ngôn thuận, ở Việt Nam vẫn chưa có đài truyền hình tư nhân.

Tất cả các đài truyền hình ở Việt Nam hiện nay đều thuộc nhà nước quản lý, và đều phục vụ cho những mục tiêu chính trị, xã hội, văn hóa… mà Nhà nước đặt ra. Trong những mục tiêu văn hóa xã hội ấy, có việc VTV và các đài địa phương được tạo điều kiện mua bản quyền để phát sóng trực tiếp các giải bóng đá quốc tế nhằm phục vụ người xem Việt Nam.

Có thể K+ có một phía đối tác liên doanh nước ngoài, nhưng phía “chủ” là VTV. Việc kinh doanh truyền hình trả tiền, truyền hình cáp cũng là chuyện đương nhiên trong nền kinh tế thị trường đa thành phần. Nhưng đừng bao giờ chỉ vì mục tiêu kinh doanh mà “quên” mục tiêu phục vụ nhân dân của các đài truyền hình thuộc Nhà nước Việt Nam quản lý.

Nhu cầu xem bóng đá quốc tế của người dân Việt Nam, mà đa số là người dân có thu nhập thấp hoặc chưa cao, là một nhu cầu có thật và được Nhà nước ủng hộ, khuyến khích. Vì thế, việc VTV từ bao năm nay chăm chỉ phát trực tiếp các chương trình bóng đá quốc tế cho dân nghèo Việt Nam xem miễn phí có thể coi như một nhiệm vụ chính trị của nhà đài. Nay không thể vì mục tiêu kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận mà “quên” hay xóa đi mục tiêu phục vụ được!

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.