FIFA nên có... đại cử tri?

21/05/2011 20:10 GMT+7

(TNO) Chuyện Liên đoàn bóng đá Anh (FA) tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử chủ tịch FIFA sắp tới là… lớn hay nhỏ?

Chủ tịch của FA - David Bernstein đã thông báo sẽ không tham gia bỏ phiếu bầu chức Chủ tịch FIFA vào ngày 1.6 tới - Ảnh: AFP

(TNO) Chuyện Liên đoàn bóng đá Anh (FA) tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử chủ tịch FIFA sắp tới là… lớn hay nhỏ?

Dĩ nhiên là lớn, nếu không muốn nói là rất lớn. FA “lớn” đến nỗi đấy là Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) duy nhất trên thế giới không cần ghi tên quốc gia vào tên liên đoàn, đơn giản vì khi FA được thành lập thì trên thế giới chưa có bất cứ tổ chức tương tự nào để phải phân biệt bằng cách ghi thêm tên địa phương.

Bản thân FA - LĐBĐ của quê hương bóng đá - đã hàm chứa trong nó một truyền thống, một niềm tự hào lớn lao. FA mà không bỏ phiếu thì giống như một cú tát vào bất cứ ứng cử viên nào đang định ngồi ghế chủ tịch FIFA trong nhiệm kỳ tới.

Nhưng truyền thống của FA, niềm tự hào, uy tín, danh dự của FA, chẳng còn chút ảnh hưởng nào đối với thế giới bóng đá ngày nay. Có hơi cay đắng, nhưng đấy là thực tế phũ phàng mà bóng đá Anh dù muốn hay không cũng phải chấp nhận. Cũng chính vì thế, chúng ta lại có thể nói theo cách khác: chuyện FA tẩy chay cuộc bầu cử chủ tịch FIFA sắp tới hóa ra chỉ là chuyện nhỏ. FIFA có đến 208 lá phiếu, FA chỉ là 1 phiếu!

Một phiếu của FA chỉ tương đương với một phiếu của LĐBĐ Brunei. Một phiếu của bất cứ siêu cường bóng đá nào khác, như Đức, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Brazil, Argentina, đều chỉ tương đương với một phiếu của những LĐBĐ mà có thể bạn không biết là đã làm được điều gì cho thế giới bóng đá, thậm chí chẳng biết những LĐBĐ ấy có tồn tại hay không. Sao Tome and Principe, Aruba, Curacao, Kiribati, Vanuatu, đại khái như thế.

Hãy thử tưởng tượng: nếu các LĐBĐ gần như… vô nghĩa vừa nêu cùng nhau họp bàn để tăng kích thước cầu môn của bóng đá, biến trận đấu thành 4 hiệp, bắt cầu thủ nữ mặc bikini… thì bóng đá sẽ ra sao? Đấy chỉ là chuyện tưởng tượng, không bao giờ có, vì luật bóng đá là do IFAB quyết định. IFAB có 8 thành viên bỏ phiếu, trong đó có 4 đại diện FIFA và 1 đại diện từ mỗi LĐBĐ của Anh, Scotland, Xứ Wales, Bắc Ireland.

Về luật bóng đá thì FIFA không thể muốn làm gì thì làm. Còn chuyện bầu cử chủ tịch FIFA thì họ muốn sao cũng được. Đấy là khác biệt lớn. Mặc kệ ý kiến của các cường quốc, hễ toàn bộ châu Á, châu Phi, châu Đại dương và các nước ở vùng Trung Mỹ - Caribe hợp thành một khối, họ muốn cho ai giữ ghế chủ tịch FIFA cũng được. Thế rồi, từ ghế chủ tịch FIFA, lại sẵn có khoảng 2/3 tổng số phiếu từ những nước nêu trên, người ta muốn vẽ nên một thế giới bóng đá ra sao thì cứ vẽ.

 
Hai đối thủ chính trong cuộc tranh cử chức chủ tịch FIFA nhiệm kỳ tới: Sepp Blatter (trái) và Bin Hamman - Ảnh: Reuters

Sẽ đến lúc FIFA phân bổ "quota" dự World Cup theo dân số hoặc diện tích từng vùng? Chẳng có gì là không được. FIFA đã cho Qatar đăng cai World Cup, với hàng loạt chỗ phi lý mà con nít cũng thấy, rồi đấy thôi!

Muốn có một FIFA thật sự văn minh, rạch ròi, làm việc giỏi giang để tiếp tục phát triển môn thể thao vua, có lẽ phải thay đổi cách bầu cử chủ tịch FIFA theo hệ thống “đại cử tri”. Tiếng nói của các LĐBĐ lớn phải có giá trị hơn tiếng nói của những LĐBĐ hữu danh vô thực. Một phiếu của FA hoặc LĐBĐ Ý, LĐBĐ Đức, phải “nặng” hơn toàn bộ số phiếu của châu Đại dương.

Còn như hiện nay: Nam Mỹ với những Brazil, Argentina, Uruguay… chỉ gồm 10 nước, xem ra không nặng ký bằng châu Đại dương (14 phiếu), càng bị châu Phi (50 phiếu) đè bẹp khi có dịp bầu bán. FIFA làm sao mà văn minh cho nổi!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.