Ghế nóng

17/09/2010 08:46 GMT+7

1. Khả năng ông Lê Hùng Dũng ở lại cương vị chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF) là rất cao, dù ông đã lên tiếng xin từ chức cách nay ít lâu.

1. Khả năng ông Lê Hùng Dũng ở lại cương vị chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF) là rất cao, dù ông đã lên tiếng xin từ chức cách nay ít lâu.

Cuộc họp thường vụ BCH HFF hôm 15.9 cho kết quả BCH hiện tại không muốn ông Dũng rời cương vị, đồng thời chuyện tìm người thay ông Dũng vào lúc này là chuyện chẳng dễ. Thực tế bóng đá TP.HCM từ trước khi ông Dũng ngồi vào cương vị chủ tịch HFF đã suy yếu từ gốc. Ông Dũng ngồi vào ghế chủ tịch HFF phải gánh luôn những phần việc khó mà các đời chủ tịch trước ông Dũng, như ông Trần Văn Tạo, đều bó tay.

Thật ra qua 4 nhiệm kỳ của HFF, 4 đời chủ tịch chỉ có nhiệm kỳ đầu tiên với đời chủ tịch của ông Nguyễn Văn Huấn là thành công.

2. Thời ấy cơ chế ủng hộ bóng đá TP.HCM, khi ngồi ở cấp cao của liên đoàn toàn những nhân vật cỡ bự trên ủy ban, thuộc nằm lòng đường đi nước bước về các vấn đề kinh tế hóc búa, có thể dễ dàng giải quyết các chính sách khó cho liên đoàn. Hồi ấy HFF cũng sở hữu sân Thống Nhất, toàn quyền khai thác các quyền lợi kinh tế và hình ảnh có liên quan đến sân này nên công việc vì thế cũng trôi chảy hơn.

Cũng phải nói thêm rằng hồi ấy các đội bóng vẫn còn trong cơ chế bao cấp nên tiếng nói của HFF với những nhân vật chủ chốt kiêm luôn các cương vị lãnh đạo nhà nước hoặc nguyên lãnh đạo nhà nước rất có trọng lượng với các CLB.

Sau đó bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp và theo khuyến cáo của FIFA, người nhà nước không được phép can thiệp quá sâu vào bóng đá chuyên nghiệp, vào chuyện của các đội bóng chuyên nghiệp, hoặc các tổ chức xã hội dạng như HFF nữa.

Đến lúc đó quyền lực của HFF ở các nhiệm kỳ sau và các đời chủ tịch sau ông Nguyễn Văn Huấn bắt đầu bị phân chia dần. Cảng Sài Gòn phải gắn với cái đầu Thép mới có tiền tồn tại, Hải Quan ngắc ngoải được thêm vài mùa rồi giải tán. Riêng CA TP.HCM được chuyển giao cho ngân hàng Đông Á trước khi được bán về cho một doanh nghiệp nằm ngoài TP.HCM là Sơn ĐT.LA.

Đến lúc đấy đội tuyển TP.HCM cũng không còn tồn tại và HFF cũng chẳng còn sân Thống Nhất để khai thác các quyền lợi kinh tế và hình ảnh.

3. Trong khi LĐBĐ Việt Nam (VFF) cứ mạnh dần lên vì sở hữu các giải đấu danh giá như V-League, Cúp quốc gia, giải hạng Nhất, các ĐTQG hay đội Olympic… thì HFF càng lúc càng bị thu nhỏ hoạt động vì chẳng trực tiếp có quyền hành với đội bóng chuyên nghiệp nào, cũng chẳng sở hữu giải đấu danh giá nào, ngoài các giải phong trào nhỏ.

Vì vậy rất khó trách bản thân ông Dũng hay nhiệm kỳ 4 của HFF về sự sa sút chung của bóng đá TP.HCM, muốn trách phải trách những người ngồi ở những vị trí cao hơn trong việc điều hành thể thao thành phố nói chung không thể chuyển đổi kịp theo cơ chế của thể thao chuyên nghiệp, và trách những đội bóng thành phố không thể thích nghi với bản chất của bóng đá chuyên nghiệp.

Vấn đề tới đây của HFF nói riêng và bóng đá nói chung là chuyện định hướng, mà theo ông Lê Hùng Dũng đấy là thực hiện lộ trình theo đúng chương trình “Tầm nhìn châu Á – Dự án TP.HCM”. Đấy là đường đi của bóng đá thành phố trong tương lai, với cả các vấn đề từ bóng đá phong trào cho đến bóng đá chuyên nghiệp đều đã được AFC nghiên cứu và thử nghiệm thành công ở nhiều nước.

Vấn đề còn nằm ở chỗ tự thân các đội bóng chuyên nghiệp của thành phố phải tự chủ (cả về nguồn cầu thủ lẫn nguồn kinh phí) để không rơi vào cảnh gặp biến thì lao đao như mấy năm qua.

Không giải quyết được những vấn đề ấy, dù ai ngồi vào chiếc ghế nóng hổi mà ông Dũng đang ngồi cũng chẳng thể làm gì khác được!

Tung Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.