Có chắc đội tuyển Việt Nam sẽ mạnh hơn nếu mời Calisto về lại?

27/04/2014 11:10 GMT+7

(TNO) Có thể nói ông Henrique Calisto là HLV nhận lương cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay dù thành tích ông mang lại cho Bóng đá Việt Nam là không nhiều nếu không nói là chưa được gì...

(TNO) Có thể nói ông Henrique Calisto là HLV nhận lương cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay dù thành tích ông mang lại cho Bóng đá Việt Nam là không nhiều nếu không nói là chưa được gì...

>> HLV Calisto tái duyên cùng bóng đá Việt Nam, tại sao không!
>> HLV trưởng đội tuyển Việt Nam: Cần chất 'phủi' của Calisto!
>> HLV Calisto bị ngưng chức ở Angola

 
Ông Henrique Calisto được đánh giá là HLV hiểu rõ về Bóng đá Việt Nam nói riêng và Bóng Đá Đông Nam Á nói chung - Ảnh: Khả Hòa

Qua 8 năm vừa làm việc vừa tìm hiểu Bóng đá Việt Nam có thể khẳng định Calisto quá rõ Bóng đá Việt Nam nói riêng và Bóng Đá Đông Nam Á nói chung. Thế nhưng qua ngần ấy thời gian ông chỉ giúp mang về cho đội bóng mình huấn luyện 2 danh hiệu vô địch ở V-League, một huy chương đồng Tiger Cup 2002 và chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, những danh hiệu có thể nói chỉ mang tính chất tượng hình nếu không muốn nói là may mắn.

Những ngày qua chúng ta đang nhốn nháo, nhốn nháo vì chuyện tìm HLV cho đội tuyển bóng đá Việt Nam. Đã có nhiều hồ sơ dự tuyển có thể nói là chất lượng, nhưng tất cả vẫn chưa được tìm tiếng nói chung. Lý do là về lương bổng, về kinh nghiệm dẫn dắt, về đẳng cấp quốc tế.

Chúng ta một mặt muốn tìm được một người thật sự có năng lực, mặt khác là lương bổng không quá cao. Nhưng đâu có lý nào một người hội tụ đủ hai yếu tố trên lại chấp nhận yêu cầu của VFF. VFF biết vậy nhưng ngặt nỗi vẫn cứ muốn tìm một người có tài thêm vào là giá cả phải chăng.

Tất nhiên trong thâm tâm mọi người vẫn biết một điều “tiền nào của đó”. Tại sao Real Madrid trả cho Ancelotti 7,5 triệu euro/năm, trong khi đó HLV được trả lương cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay chỉ nhận chưa tới 300.000 USD/năm. Và một khi như vậy thì  Desailly Marcel đòi mức lương 50.000 USD/tháng âu đó cũng là điều dễ hiểu. Thế thì sao chúng ta không thử, không dám chấp nhận mạo hiểm một lần?

Chúng ta vẫn mang tư tưởng chờ người khác làm và mình hưởng. Cái tư tưởng ấy đã thể hiện trong quá trình cân nhắc Desailly Marcel. Rõ ràng VFF không mặn mà với cựu cầu thủ khá có tiếng này vì những lý do đơn giản.

Cái lý do đơn giản nhất mà VFF biện minh là HLV này chưa có kinh nghiệm trận mạc. Xin nói rõ rằng: bất kỳ một HLV giỏi nào cũng bắt đầu bằng hai bàn tay trắng và qua thời gian tu nghiệp kinh nghiệm họ sẽ nhân lên, tùy vào mỗi người năng lực của họ phát triển nhanh, chậm khác nhau và rồi nổi tiếng khác nhau. Từ Mourinho, Pep Guadiola, hay Sir Alex Ferguson tất cả đều bắt đầu từ những câu lạc bộ vô danh, nổi tiếng khi phát triển những câu lạc bộ đó và dần trở nên vĩ đại.

Lại nói về Henrique Calisto, nhiều ý kiến cho rằng nên mời HLV Bồ Đào Nha về lại Việt Nam. Thiết nghĩ ý kiến này không nên. Tại sao ư?

Thứ nhất: một con người chỉ biết đến tiền như ông ấy thì quả thật không nên mời. Khi làm việc tại Việt Nam, suốt 8 năm ông luôn được người hâm mộ yêu quý. VFF luôn đáp ứng tốt những yêu cầu của ông về lương bổng, về môi trường đào tạo. Có thể nói ông là HLV nhận lương cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay dù thành tích ông mang lại cho đội bóng là không nhiều nếu không nói là chưa được gì. Vậy mà ông chủ  động ra đi, sang một CLB khác ở Thái Lan.

Ông biện minh cho hành động của mình rằng: ông ra đi không phải vì tiền nhưng thực tế thì ngược lại: Muangthong United trả cho ông 33.000 USD/tháng và ông đã đi. Cố tỉ phú người Mỹ đã từng nói “thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” và rõ ràng con số 33.000 USD mà CLB Thái trả cho ông Tô cao hơn so với khoảng 20.000 USD của Việt Nam đã trả. Hai con số không phải chênh quá như cái “nhiều” mà vị tỉ phú Mỹ phát biểu nhưng nó đủ làm cho một người ông Tô dứt áo ra đi.

Đáng tiếc, khi ông dừng chân ở Muangthong United, những tưởng với chút ít danh hiệu may mắn có được ở Việt Nam ông sẽ thành công ở nơi này. Nhưng không! 8 tháng sau khi dẫn dắt, thành tích đội bóng bết bát, cuối cùng ông phải cuốn gói ra đi như một kẻ bại trận. Thì ra cái danh hiệu “Phù thủy Calisto” mà các chuyên gia dành tặng cho ông xem ra chỉ mang tính chất tâng bốc nhiều hơn.

Để phát triển một lĩnh vực nào đó không chỉ riêng bóng đá chúng ta cần phải mạo hiểm, sẽ không ai biết rằng sự chọn lựa của mình có đúng đắn? Có đem lại kết quả? Có thể sẽ như mong đợi hoặc sẽ đi ngược lại điều ta mong muốn. Chúng ta có thể sẽ chẳng được gì. Không sao cả! Không đạt được cái đích chúng ta muốn nhưng ít ra chúng ta đã dám mạo hiểm dám làm điều mà mình coi là đúng.

Vậy chúng ta có nên thử mạo hiểm với Desailly Marcel? Hay lại quay lại với “vết xe đổ” trước kia của chính mình. Tất cả điều đó đang phụ thuộc và nằm trong tay VFF.

Bùi Tâm Đức*

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một sinh viên Khoa Báo chí, Đại học KHXH&NV, TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.