Hành trình kỳ vĩ

12/07/2010 00:08 GMT+7

Với hành trình World Cup 2010, đất nước Nam Phi đã bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức để thu về những kết quả vô giá.

Người dân Nam Phi đã làm hết sức mình cho thành công của World Cup - Ảnh: Đỗ Hùng

Với hành trình World Cup 2010, đất nước Nam Phi đã bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức để thu về những kết quả vô giá.

Trên chuyến xe buýt từ trung tâm Johannesburg tới sân Soccer City vào hôm qua, cô tình nguyện viên Katie Mhalu đọc cho tôi những câu thơ đầy kiêu hãnh:

Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta không phải là sự thiếu năng lực/Nỗi sợ hãi lớn nhất là chúng ta có sức mạnh vô biên.

Mhalu kể rằng đó là những vần thơ mà lãnh tụ Nelson Mandela đã đọc trong lễ nhậm chức tổng thống năm 1994, đánh dấu sự ra đời của nền dân chủ ở đất nước này. Đúng 16 năm trước, khi chế độ Apartheid sụp đổ và một đất nước Nam Phi mới hình thành, Mandela đã đọc những lời thơ đó như một sự khơi thức năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người. Năng lực tiềm ẩn đó khi thức dậy đã cuốn phăng chủ nghĩa kỳ thị sắc tộc man rợ. Năng lực tiềm ẩn đó khi trỗi dậy đã làm nên một quốc gia Nam Phi phồn thịnh bậc nhất lục địa đen.

Giờ đây, khi World Cup đã đến hồi chung cuộc, Mhalu đọc lại những lời thơ đó như sự tổng kết cho một hành trình kỳ vĩ.

Quả thực, câu chuyện World Cup 2010 đã bắt đầu không mấy lạc quan, với sự nghi ngại từ thế giới bên ngoài, với niềm tự tin chưa quyết liệt của người trong cuộc. Thế rồi, World Cup đến với tất cả sự hấp dẫn mãnh liệt của nó và mỗi một người dân Nam Phi như được đánh thức từ trong thẳm sâu năng lực tiềm ẩn của mình. Một năng lực từng ngủ quên bao nhiêu năm dưới thời Apartheid và đã bùng nổ đúng lúc để vượt thoát những tù ngục, thì hôm nay năng lực ấy cũng trỗi dậy đúng lúc để chứng minh khả năng tổ chức của người Nam Phi, và rộng hơn là của lục địa đen này. Cũng giống như, trong một hình ảnh mang tính biểu trưng khác, đội tuyển Nam Phi đã từng gục ngã một cách dễ dàng trước Uruguay để rồi, khi cơn sợ hãi biến mất, họ vùng lên đánh bại đội tuyển Pháp.

Trong suốt hành trình World Cup 2010, đi khắp đất nước Nam Phi rộng lớn, ở đâu tôi cũng được gặp những con người luôn sẵn sàng hành động, từ vị quan chức cho tới người quét dọn, từ cô tình nguyện viên cho tới người cảnh sát. Tôi nhớ người thanh niên tình nguyện Thabo đã nói với tôi hôm nào ở Johannesburg: “Tôi tham gia World Cup vì muốn chứng minh rằng Nam Phi có thể tổ chức được, người châu Phi có thể đảm đương tốt một sự kiện như World Cup”. Năng lượng tiềm ẩn được sự khơi gợi của nguồn cảm hứng World Cup đã khiến cho mỗi con người nơi đất nước gần 50 triệu dân này hành động với tất cả niềm hứng khởi, để cho thế giới thấy được “sức mạnh vô biên” của một đất nước từng bị chia rẽ. Và một điều đặc biệt mà tôi được chứng kiến, đó là mỗi một người dân nơi đây đều nóng lòng nhận được phản hồi. “Anh thấy đất nước này thế nào? Anh thấy World Cup ra sao?” là những câu hỏi mà tôi đã được nghe khi gặp bất cứ người Nam Phi nào.

Hành trình rất dài ấy, đến hôm qua, đã kết thúc một cách trọn vẹn. Mỗi người dân Nam Phi đều có thể tự hào về những gì họ đã làm. Để hôm qua, cô gái Mhalu có thể thanh thản đọc cho tôi nghe những vần thơ đầy kiêu hãnh ấy.

Để tổ chức World Cup, đất nước Nam Phi đã chi ra chừng 40 tỉ rand (hơn 100.525 tỉ đồng) cùng với biết bao những nỗ lực khác và thu về một thành tựu rực rỡ. Thành tựu đó không chỉ được đo đếm bằng con số khách du lịch, số việc làm được tạo ra, tỷ lệ phần trăm GDP tăng trước. Thành tựu đó còn là uy tín của Nam Phi, của lục địa đen tăng lên trên trường quốc tế. Thành tựu đó còn là, cực kỳ quan trọng, một đất nước Nam Phi đa sắc tộc đoàn kết xích lại gần nhau hơn, sau hàng chục năm chia rẽ mà nền dân chủ 16 năm tuổi chưa thể hàn gắn được.

Hôm qua, trên con đường lên sân Soccer City, Mhalu nói với tôi, vẫn là nhắc lại lời Nelson Mandela: “Khi chúng ta đã tự giải phóng mình khỏi nỗi sợ hãi, thì tự thân sự hiện diện của chúng ta sẽ giải phóng cho những dân tộc khác”.

Vâng, Nam Phi đã làm được, thậm chí đã chứng minh rằng họ có thể làm hơn thế nữa, như lời Tổng thống Jacob Zuma nói trước hôm bế mạc: “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi không thể đăng cai Olympic”. Vậy thì, sự thành công của đất nước này nên là tấm gương cho những quốc gia châu Phi khác, và rộng hơn là cho tất cả chúng ta.

Nắm chặt tay Mhalu trước sân Soccer City rực rỡ ánh nắng vàng, trước khi chia tay, tôi cười: “Cảm ơn và xin chúc mừng các bạn”. Và tôi thấy thẳm sâu trong mắt cô gái dân tộc Sotho này ánh lên một niềm vui ngập tràn.

Đỗ Hùng (từ Johannesburg)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.