HLV: Làm sao có “uy”?

05/03/2010 09:11 GMT+7

Nếu nghề HLV trên khắp thế giới là một nghề “không thể chắc một điều gì”, ở Việt Nam, phần “không chắc” ấy đang chiếm chỗ rất to trên biểu đồ.

Nếu nghề HLV trên khắp thế giới là một nghề “không thể chắc một điều gì”, ở Việt Nam, phần “không chắc” ấy đang chiếm chỗ rất to trên biểu đồ.

Chiều 4.3.2010, HLV Calisto đã chính thức đặt bút ký với VFF một hợp đồng 3 năm để tiếp tục làm HLV trưởng dẫn dắt đội tuyển VN. Ông Calisto có lẽ là một trong số quá ít những HLV hạnh phúc nhất ở Việt Nam. Nhiều HLV khác cũng có tài, cũng là HLV “hàng ngoại” hẳn hoi nhưng đã không thể vươn lên bằng nghề nghiệp tại VN, và họ đều trước sau lặng lẽ ra đi.

Những HLV nội tài giỏi, đầy cá tính và cũng kinh nghiệm đầy mình như Lê Thụy Hải, như Vương Tiến Dũng… cũng đều có những giai đoạn phải “xác xơ mình mẩy” vì phải chịu các kiểu va đập. Đúng là rất khó cho một sự bình ổn nào đó trong nghề HLV, vì nghề này dựa trên sự bất bình ổn của bóng đá, của các đội bóng, của các cầu thủ, của các giải đấu. Sự hấp dẫn của bóng đá chính là ở chỗ không thể dự đoán chính xác được kết quả. Mà kết quả lại dẫn tới sự ở lại hay ra đi của HLV.

Nhưng, dù trên thế giới người ta thay HLV “như thay áo”, nhưng chúng ta ít thấy sự mủi lòng hay cám cảnh từ những cuộc ra đi ấy. Còn ở VN, nhiều HLV chưa kịp thi triển những “chiêu thức” của mình, chưa thể hiện kịp tài cầm quân của mình thì đã phải ra đi ngay từ đầu mùa bóng, khi đội nhà thua vài ba trận liên tiếp.

Thua vài ba trận ngay đầu mùa giải không hề là thảm họa, nhưng bóng đá VN bây giờ đã là bóng đá của các “đại gia”. Mà các đại gia thì hay sốt ruột, cứ muốn “đánh nhanh thắng nhanh”, mới nên nỗi! Nhưng ngay trong vài trận thua đầu mùa bóng, khi nhìn kỹ hơn, lỗi lớn nhất của HLV ở đây là bất lực, không “bảo” được các cầu thủ đá. Khi cầu thủ cố tình đi bộ trên sân, sút ra ngoài khó hơn sút vào khung thành thì chọn ngay… việc khó, thì quả thật có Mourinho cũng không thể đưa trận đấu đến thắng lợi.

Nhưng vì sao Mourinho vẫn làm được với những cầu thủ cứng đầu nhất? Đó chính vì Mourinho đặc biệt có “uy” với cầu thủ. Không có cầu thủ nào của ông, dù là thiên tài hay đội trưởng, mà dám “qua mặt” ông. Và một khi biết khó kiểm soát một số cầu thủ “gạo cội” do họ có “quan hệ riêng” với ông chủ, Mourinho chủ động dứt áo ra đi, bất cần những ưu đãi ghê gớm từ CLB cũ. 

Ở VN có lẽ chưa nói chuyện cần sự xuất hiện của một “Mourinho” để thể hiện bản lĩnh và cái uy trước cầu thủ. Đúng là nắm đội bóng, mà cầu thủ của mình không chịu đá, thì chẳng còn biết nói gì nữa. Ra đi là giải pháp duy nhất. Nhưng vì sao ở bóng đá VN lại có những chuyện “lạ” như thế ? Đó là kết quả của vô vàn rối rắm, của những giải pháp không hợp lý, những quyết định thiếu nhân tình, và cuối cùng, sự phản ứng của cầu thủ là gần như tất yếu!

Có thể có những cầu thủ cũng nhân cơ hội “làm reo”, nhưng nếu không để xảy ra những vụ việc như thế, thì cớ đâu cho họ làm reo? Nói HLV ở VN thiếu bản lĩnh là không chính xác. Thiếu cái uy cũng chưa hẳn đã đúng. Cơ sự chỉ vì bóng đá VN hiện vẫn thiếu cái cần nhất: tính chuyên nghiệp.

Khi VFF làm việc một cách đàng hoàng, tôn trọng đối với HLV Calisto như thế, tôi đố cầu thủ nào khoác áo đội tuyển VN dám “nằm sân” hay “quậy” với ông thầy! Cho ra rìa ngay! Còn các “ông chủ” CLB hiện nay thì đối xử với HLV và cầu thủ thế nào?

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.