Học từ những chỗ mờ nhạt

23/10/2010 09:30 GMT+7

Marseille đang dần vươn lên sau cú khởi đầu tồi tệ hồi đầu mùa. Bây giờ, họ đang thắng liên tiếp từ League 1 đến Champions League. Có nhiều lý do để giới hâm mộ Marseille tin vào năng lực của HLV Didier Deschamps.

Marseille đang dần vươn lên sau cú khởi đầu tồi tệ hồi đầu mùa. Bây giờ, họ đang thắng liên tiếp từ League 1 đến Champions League. Có nhiều lý do để giới hâm mộ Marseille tin vào năng lực của HLV Didier Deschamps.

Mùa trước, chính ông đã giúp Marseille trở lại ngôi vô địch Pháp ngay trong lần đầu dẫn dắt đội này. Deschamps cũng đưa được Juventus trở lại Serie A trong mùa duy nhất huấn luyện tại đấy, và ông từng đưa đội bóng nhỏ Monaco vào đến chung kết Champions League 2004 (đối thủ của Deschamps trong trận chung kết chính là Jose Mourinho, đành chịu).

Sự nghiệp huấn luyện của cựu danh thủ Deschamps không đến nỗi tồi bởi ông biết cách học hỏi những HLV bậc thầy ở đội tuyển Pháp và các CLB trứ danh như Juventus, Chelsea, Bordeaux, Nantes, Marseille, Valencia? Dĩ nhiên, có thầy giỏi thì Deschamps mới có các danh hiệu vô địch World Cup và EURO, vô địch từ Champions League đến các giải VĐQG Ý, Pháp. Nhưng cũng cần lưu ý: nếu bạn khoác áo một đội bóng lớn mà không vô địch thì đấy thường là thất bại. Deschamps nói về kinh nghiệm huấn luyện của mình: “Tôi đã chơi bóng dưới sự dẫn dắt của nhiều HLV giỏi. Nhưng chính vì thế, tôi cũng thấy rõ đâu là những HLV không giỏi từng dẫn dắt mình. Kinh nghiệm tôi học được từ những HLV không giỏi cũng nhiều không kém các HLV xuất sắc. Tôi đã thấy rõ người ta có thể thất bại vì những điểm nào”.

Cứ suy từ câu “thất bại là mẹ thành công” có thể kết luận: rút ra bài học kinh nghiệm từ những thất bại, từ các HLV tồi có lẽ tốt hơn là rút kinh nghiệm từ chiến thắng, từ những người giỏi giang. Tương tự, đôi khi bài học kinh nghiệm trong bóng đá đỉnh cao lại đến từ những đội bóng nhỏ, những trận đấu ít ai lưu ý hơn là từ những cuộc đụng độ thượng đỉnh.

Nhìn lại Champions League trong loạt trận cuối cùng của lượt đi vòng bảng, bạn sẽ nhớ đến trận nào? Đấy có thể là cuộc thư hùng Real Madrid – AC Milan, hoặc trận Inter – Tottenham với diễn tiến kỳ lạ của tỷ số 4-3. Bayern Munich thắng Cluj trong bối cảnh trận đấu có 5 bàn mà Bayern chỉ ghi 1 bàn, cũng đáng đề cử vào danh sách đáng nhớ. Tuy nhiên, bài học rút ra từ các diễn tiến hy hữu lại không nhiều. Trận hòa 1-1 giữa Rangers và Valencia đáng học hỏi hơn, dù trận này chắc chẳng mấy ai lưu ý.

Rangers dẫn trước, nhưng không thể dứt điểm. Một mình Kenny Miller hỏng ăn một cách đáng tiếc ít nhất 2 lần. Hiếm khi một chân sút “vô danh tiểu tốt” như Miller có ngần ấy cơ hội ở đẳng cấp Champions League. Và hiếm khi Rangers có đến 19 cơ hội tung cú dứt điểm ở đấu trường này. Nhưng họ bỏ lỡ, và tự đốt lưới nhà, “giúp” Valencia gỡ hòa. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như giới hâm mộ Rangers không giật mình thấy rằng Rangers đã có thể đồng điểm với đội đầu bảng M.U nếu không bỏ lỡ những cơ hội tốt như thế. Đấy không chỉ là cơ hội chiến thắng. Đấy là cơ hội vượt qua vòng bảng, để đội bóng khiêm tốn Rangers trở thành 1 trong 16 đội bóng mạnh nhất châu Âu mùa này.

Quá tiếc, nhưng đấy không phải là chuyện hy hữu. Những chuyện không hy hữu đều có thể rút ra bài học. Trong bóng đá đỉnh cao, kết quả thường được quyết định bởi việc bỏ lỡ cơ hội. Bài học từ Rangers hay hơn rất nhiều so với những gì người ta có thể học ở các trận đỉnh cao như Real – Milan hoặc Inter – Tottenham. Cũng giống như Deschamps nói rằng ông học được kinh nghiệm từ những HLV tồi.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.