Khi các sếp làm việc bằng chân

17/10/2010 09:25 GMT+7

Dù là ở nơi bóng đá còn đang phát triển hay ở một siêu cường bóng đá thế giới, thì chắc cũng không khác nhau bao nhiêu: người ta có thể chơi bóng bằng đầu chứ không thể làm việc bằng chân. Bayern Munich là một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới.

Dù là ở nơi bóng đá còn đang phát triển hay ở một siêu cường bóng đá thế giới, thì chắc cũng không khác nhau bao nhiêu: người ta có thể chơi bóng bằng đầu chứ không thể làm việc bằng chân. Bayern Munich là một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới.

Nhưng cái sự vĩ đại của Bayern, suy cho cùng, cũng chỉ là một khái niệm chung chung. Vì sao đội này không bao giờ sánh được với Barcelona hoặc Real Madrid ở TBN, Chelsea hoặc M.U ở Anh, AC Milan hoặc Inter Milan ở Ý? Vì các vị trí lãnh đạo cao nhất ở Bayern, suốt hàng chục năm qua, đều do các cựu danh thủ nắm giữ.

Chúng ta không thể phủ nhận những chỗ giỏi giang của Franz Beckenbauer, Karl-Heinz Rummenigge hoặc Uli Hoeness. Nhưng họ giỏi nhất, nổi tiếng nhất, cũng chỉ ở khía cạnh chơi bóng mà thôi. Người ta ca ngợi Hoeness đã biến Bayern thành CLB không có đối thủ xứng tầm ở Đức, giàu mạnh nhất nước Đức, sau 30 năm điều hành CLB này. Nhưng Hoeness – con trai của một ông hàng thịt ở Ulm, nổi tiếng về năng khiếu vụ lợi khi còn là cậu học trò chuyên làm báo tường trong trường học, trước sau vẫn chỉ thành công theo một tư duy nhỏ, lẻ. Hãy so sánh 30 năm mà Hoeness miệt mài giúp Bayern làm giàu với vài năm điều hành M.U hoặc Chelsea của Peter Kenyon!

Mới đây, Bayern hung hăng đòi kiện LĐBĐ Hà Lan về chấn thương của Arjen Robben và Mark Van Bommel. Đối phương thậm chí không thèm trả lời. Cứ việc lôi nhau ra tòa. Tại đây, tài năng bóng đá của Beckenbauer, Hoeness và Rummenigge đâu có nghĩa lý gì.

Hồi đầu mùa, Bayern nói rằng họ có lực lượng mạnh và dày đến nỗi không cần tăng cường lực lượng. Đấy không phải là sự khoác lác hay phô trương. Họ nghĩ như thế thật. Bây giờ, trong cơn khốn đốn, Bayern lại mất hàng loạt hảo thủ vì chấn thương (Robben, Ribery, Van Bommel, Schweinsteiger, Olic, Alaba, Contento, Klose, Breno). Bản danh sách gồm khoảng 25 cầu thủ của Bayern bây giờ không phủ kín được đội hình trên sân và ghế dự bị. Thiếu nhưng vẫn thừa. Bayern có loại cầu thủ mà họ quyết không muốn dùng, như Ottl, Breno hoặc Tymoschuk. Năm ngoái còn có Luca Toni danh tiếng. Toni giờ đã ra đi, nhưng lại đến lượt Martin Demichelis gia nhập danh sách cầu thủ thừa. Để vẫn có đủ cầu thủ như ai, Bayern điền tên cầu thủ từ đội dự bị vào đội lớn. Thực chất vẫn vậy: đấy là những cầu thủ sẽ không được sử dụng.

Có thể chia các cầu thủ Bayern thành 2 loại: một loại không có cơ hội nghỉ ngơi và một loại không có cơ hội thi đấu. Đấy không bao giờ là một bản danh sách cầu thủ có khoa học, được lập nên bởi khả năng nhìn xa trông rộng và sự tính toán chặt chẽ. Đừng nghĩ (và khen) rằng Bayern chi tiêu chặt chẽ. Loại ngôi sao “dỏm” như Ribery ở Bayern lĩnh lương không thua bất kỳ ngôi sao nào ở M.U, Chelsea, Real hoặc Barcelona.

Cách đây vài năm, danh tiếng Beckenbauer nổi lên như cồn. Khi ấy, “hoàng đế” thậm chí có quyền dòm ngó ghế chủ tịch FIFA, nói gì đến UEFA? Lúc ấy, ông bị Sepp Blatter và Michel Platini tặng cho quả lừa ngoạn mục. Blatter nói rằng Platini sẽ chỉ giúp ông điều hành FIFA. Nếu Beckenbauer bước ra tranh ghế chủ tịch UEFA thì hóa ra lại tranh giành với người bạn già Lennart Johansson? Thế là Beckenbauer ngồi im, để Johansson điều hành UEFA một nhiệm kỳ nữa. Nào ngờ, Platini vọt ra tranh ghế với Johansson, đắc cử chủ tịch UEFA, và củng cố địa vị rất vững chắc từ đó đến nay.

Chuyện Beckenbauer “làm việc bằng chân” cũng là chi tiết tiêu biểu nói lên đặc điểm của bộ sậu lãnh đạo Bayern. Beckenbauer thua đau ở đâu không biết, chứ về Bayern thì “khạc ra lửa”. Những nơi khác đang “làm bóng đá” có nên nhìn vào bài học Bayern?

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.