Khi tiêu cực vẫn còn đất sống!

16/08/2012 17:20 GMT+7

(TNO) Có thể V-League (2012) một lần nữa sẽ khép lại với mỹ từ thành công, nhưng mãi mãi người hâm mộ cả nước sẽ không bao giờ dám tin vào một giải đấu sạch.

(TNO) Có thể V-League (2012) một lần nữa sẽ khép lại với mỹ từ thành công, nhưng mãi mãi người hâm mộ cả nước sẽ không bao giờ dám tin vào một giải đấu sạch.

>> Chưa thể kết luận vòng 25 V-League có tiêu cực
>> V-League “đá” trên bàn?
>> V-League đụng vào đâu cũng... nát

 
Ban lãnh đạo đội bóng nghĩ và làm gì khi có cầu thủ cố tình "nằm sân"? - Ảnh: Minh Tú

Trong buổi họp VPF mổ xẻ các trận đấu có dấu hiệu tiêu cực ở vòng 25, những pha bóng nhạy cảm được các thành viên ban tổ chức xem đi xem lại nhiều lần. Đó là cú sút bóng hời hợt của Mai Xuân Hợp (Thanh Hóa), hay những pha chuyền bóng vào chân tiền đạo đối phương của thủ môn Thanh Bình (SHB Đà Nẵng)...

Ông Nguyễn Văn Vinh đã nhận xét thẳng thắng rằng pha xử lý của Mai Xuân Hợp là không thể chấp nhận được, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm với đội bóng.

Các tình huống chuyền bóng cho đối phương của thủ môn Thanh Bình cũng được mổ xẻ không phải là “tai nạn” mà gần như là có chủ ý, bởi với một thủ môn có năng lực như Bình, không thể phạm những lỗi sơ đẳng như vậy.

Đây chỉ là hai trường hợp nỗi trội, bởi còn nhiều rất nhiều cầu thủ khác thi đấu dưới sức mà trong thời gian hạn chế của một buổi họp không thể mổ xẻ hết được.

Có thể trong thành phần của Hà Nội T&T và Vicem Hải Phòng cũng có nhiều cầu thủ chơi khác thường để tạo lợi thế cho đội khách. Có vậy, Hà Nội T&T mới không thể vô địch trước một vòng đấu và Hải Phòng tiếp tục hứng chịu búa rìu của người hâm mộ đất cảng.

Những biểu hiện khác thường trên sân cỏ của các cầu thủ, chắc chắn ban huấn luyện (BHL) đều nắm được và biết rất rõ, bởi họ là những người lên chiến thuật, xếp đội hình, nên chỉ cần cầu thủ nào nhiều lần cố tình chuyền sai địa chỉ, hay mắc lỗi vị trí thì khó lòng thoát khỏi “mắt xanh” của BHL.

Ấy vậy mà, cầu thủ phạm lỗi dẫn đến đội bóng thua trận, nhưng BHL lại “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Phải chăng tình trạng cầu thủ là ông chủ đội bóng vẫn đang là thế lực ngầm đáng kể đối với Bóng đá Việt Nam? Có như thế họ mới ung dung bán rẻ đội bóng của mình và coi thường người hâm mộ.

Lãnh đạo đội bóng không dám thẳng tay xử các cầu thủ khi họ cố tình phá đội, rất dễ hứng lấy thảm họa, bởi không ai dám chắc nhiều cầu thủ khác, sẽ không tiếp tục noi gương đồng đội để đạt mục đích riêng của mình.

Lúc đó, dù cho đội bóng toàn sao, chi bộn tiền cũng khó lòng gặt hái thành công nếu không quản được cầu thủ.

Lãnh đạo và BHL không dám xử cầu thủ còn dẫn đến hệ lụy là người hâm mộ sẽ nghi kỵ lãnh đạo đội bóng dính vào tiêu cực. Lúc đó, mối họa sẽ rất lớn vì người hâm mộ sẽ nhanh chóng quay lưng.

Đáng buồn thay, khi CLB không dám xử cầu thủ có dấu hiệu tiêu cực thì ban tổ chức giải lại càng không thể xử. Bởi quan điểm của VFF và VPF vẫn là “án tại hồ sơ” có nghĩa là chừng nào có chứng cứ rạch ròi thì VFF và VPF mới vào cuộc.

Điều này càng chấp cánh cho tiêu cực tàn phá Bóng đá Việt Nam. Tìm bằng chứng tiêu cực trong Bóng đá Việt Nam cũng tương tự như chuyện “mò kim đáy bể”.

Khi những trận cầu ở vòng 25 vẫn là nghi ngờ của dư luận thì người ta lại lo ngại cho lượt đấu cuối cùng, nơi mà có 4 trận đấu ảnh hưởng đến số phận đội nào sẽ rớt hạng.

Chính vì thế, có thể V-League 2012 sẽ khép lại với mỹ từ thành công, nhưng mãi mãi người hâm mộ cả nước sẽ không bao giờ dám tin vào một giải đấu sạch.

Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.