Không huy chương Paralympic, ai hiểu được nỗi vất vả của VĐV khuyết tật

17/09/2016 10:42 GMT+7

Thể thao Việt Nam đã có thêm điều kỳ diệu trên đấu trường thế giới khi lực sỹ Lê Văn Công phá sâu kỷ lục thế giới, giành tấm HCV lịch sử đầu tiên cho Việt Nam tại đấu trường Paralympic - Olympic của những VĐV khuyết tật...

Giành HCV Olympic là một điều vô cùng khó khăn, với ngay cả những người lành lặn. Hoàng Xuân Vinh là một điều thần kỳ của thể thao Việt Nam, xạ thủ giành 1 HCV và 1 HCB tại Olympic Brazil được đầu tư trọng điểm, nghĩa là những gì tốt nhất trong nước đã được dành cho anh và đồng đội để chinh phục đấu trường Olympic. Tuy nhiên, so sánh với những gì các VĐV các quốc gia, những điều này không có nghĩa lý gì. Rèn luyện, quyết tâm theo kiểu “con nhà nghèo”, Hoàng Xuân Vinh đã giành được quả ngọt.
Lê Văn Công, người đã khiến thể thao Việt Nam nở mày nở mặt thêm một lần nữa với tấm HCV không tưởng môn cử tạ vào sáng 9.9 vừa qua. Người đàn ông với đôi chân bị teo nhỏ từ khi mới sinh ra tưởng sẽ bị tàn phế suốt đời đã không cam chịu một cuộc sống vô ích. Từ Hà Tĩnh, anh vào TP.HCM lập nghiệp và gắn bó với cử tạ bao nhiêu năm trời.
Lê Văn Công từng bị tai nạn giao thông, nó cướp đi của anh cơ hội được tham dự Paralympic 2012, nhưng không cướp đi ý chí khát vọng của một thanh niên muốn khẳng định bản thân và chinh phục những đỉnh cao mới.
Thành tích của Lê Văn Công khiến nhiều người nức lòng, nhưng sau tấm HCV này, cuộc sống của anh vẫn trở về thầm lặng bình thường Reuters
Chúng tôi đã chứng kiến sự gian truân cơ cực của nữ VĐV điền kinh khuyết tật Nhữ Thị Khoa, chân tay co quắp chị vẫn sáng sáng lăn xe đến Trung tâm thể thao người khuyết tật Khúc Hạo, Hà Nội, tập lăn bánh xe trên đường chạy đến khi tay tươm máu, chiều lại về chợ bán bánh mỳ, trái cây. Con bị bệnh hiểm nghèo, chị Khoa giải nghệ, người phụ nữ một ngày mưa trong một căn nhà bừa bộn đồ đạc bật khóc: "Những tấm huy chương, bằng khen có đủ cứu con tôi không?".
VĐV Trần Phúc Đạt trên đường chạy điền kinh Nhân vật cung cấp
VĐV điền kinh Trần Phúc Đạt, 30 tuổi, mỗi sáng đi xe buýt từ thị trấn Như Quỳnh, Hưng Yên lên Hà Nội tập điền kinh, trưa lại bắt xe buýt về, nắng cũng như mưa. Tiền thưởng từ các giải trong nước, ParaGames không đáng là bao, nhưng đủ để anh yêu cuộc sống, biết mình vẫn là người có ích. “Tôi vẫn thấy chạnh lòng khi sự quan tâm của xã hội dành cho Paralympic chưa cao. Từ năm 2008, năm nào tôi cũng theo dõi giải đấu này, nhưng nhà đài chỉ tường thuật trực tiếp Olympic mà bỏ qua Paralympic, tôi đành mở internet xem”, Trần Phúc Đạt nói.
Đặng Thị Linh Phượng, người giành HCĐ môn cử tạ tại Paralympic Rio nữa, hàng ngày chị phải làm việc tại xưởng thủ công mỹ nghệ 27.7 tại TP.HCM, rồi sau đó mới có thời gian tập tạ. Chị Phượng không sống bằng thu nhập từ thể thao, đó chỉ là niềm tin cho chị thêm động lực vượt qua mọi gian truân.
Còn nhiều, rất nhiều những VĐV khuyết tật Việt Nam lặng thầm tập luyện mỗi ngày, lặng thầm đăng quang và lặng thầm rời xa sàn đấu, vì sức khỏe và những nghiệt ngã của cuộc sống cơm áo gạo tiền. Sự vắt chanh bỏ vỏ - với VĐV lành lặn - không là một ngoại lệ với VĐV khuyết tật.
Ngày mai, ngày kia, khi Lê Văn Công trở về TP.HCM, sau những vinh quang được vinh danh và báo chí đưa tin, cuộc sống của người đàn ông khuyết tật gắn bó với cử tạ và người vợ kiếm sống bằng nghề may vá lại trở về ngày thường. Với chấn thương, nước mắt, nụ cười và cả những bề bộn lo toan của cuộc sống có hai con nhỏ.
Thể thao Việt Nam, những câu hỏi về sự đền đáp xứng đáng, chưa bao giờ có câu trả lời thỏa mãn!

tin liên quan

Trăn trở thể thao người khuyết tật
(TNO) Giải thể thao người khuyết tật (NKT) toàn quốc 2013 đã khép lại với những khoảnh khắc xúc động khi gần 1.000 VĐV nỗ lực đến cùng để chạm tới vinh quang. Nhưng những trăn trở vẫn đang để ngỏ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.