Không sợ già

13/10/2010 07:50 GMT+7

Vì sao bóng đá Anh có loại cầu thủ mãi đến tuổi 33 mới xuất hiện lần đầu tiên trong ĐTQG, như Kevin Davies? Câu trả lời quá đơn giản: vì Davies xứng đáng. Anh có thể làm được những gì, báo chí đã phân tích cả.

Vì sao bóng đá Anh có loại cầu thủ mãi đến tuổi 33 mới xuất hiện lần đầu tiên trong ĐTQG, như Kevin Davies? Câu trả lời quá đơn giản: vì Davies xứng đáng. Anh có thể làm được những gì, báo chí đã phân tích cả.

Còn câu hỏi vì sao mãi đến tuổi “băm”, Davies mới làm được những việc như thế trên sân cỏ, thì cũng đơn giản không kém: anh thuộc loại ngôi sao bộc lộ tài năng một cách muộn mằn. Bóng đá Anh từng có Teddy Sheringham mãi đến tuổi 27 mới lọt vào đội tuyển, rồi trụ vững trong đội tuyển đến tuổi 36 và khoác áo West Ham đến tuổi 41 (trong vai tiền đạo).

Mà cũng không riêng gì bóng đá Anh. Hồi Oliver Bierhoff ghi được “bàn thắng vàng” đầu tiên trong bóng đá đỉnh cao, giúp đội tuyển Đức vô địch EURO 1996, đấy cũng chính là năm đầu tiên Bierhoff xuất hiện trong hàng ngũ Mannschaft, ở tuổi 28. Toto Schillaci khoác áo đội Ý, đoạt luôn danh hiệu vua phá lưới World Cup 1990, cũng trong năm đầu tiên khoác áo ĐTQG, ở độ tuổi tương tự Bierhoff và Sheringham.

Dĩ nhiên, họ không đến nỗi quá già như Davies trong lần đầu tiên tham gia đội tuyển, nhưng điểm chung là họ đều vươn lên đỉnh cao và được giới thiệu trong ĐTQG khá muộn mằn. Không ai dám bảo Ý, Đức và Anh là các nền bóng đá kém phát triển, thiếu lực lượng trẻ xuất sắc đến nỗi phải trông cậy vào các tuyển thủ già như vậy. Trường hợp của những Sheringham, Schillaci, Bierhoff, hoặc nay là Davies, cho thấy người ta không nhất thiết chạy theo thành tích, chỉ trao cơ hội ra mắt trong ĐTQG cho các cầu thủ 18-20 tuổi. Tất nhiên, có nhiều cầu thủ xuất sắc thuộc lứa tuổi đôi mươi thì quá tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là hễ các cầu thủ giỏi đã vượt quá độ tuổi 26-27 thì không còn đáng tính đến cho ĐTQG. Giả sử các siêu cường Đức hoặc Ý quá câu nệ vào chuyện ưu tiên cho thế hệ trẻ vươn lên, chức vô địch EURO 1996 và vua phá lưới World Cup 1990 có thể đã khác.

Cũng có khối nơi, người ta được tiếng đào tạo trẻ tốt, luôn giới thiệu hàng loạt tuyển thủ trẻ trung, rút cuộc cũng chẳng làm được trò trống gì. Ngoài tình trạng ngôi sao trẻ đôi khi chóng tàn, liệu còn có cả tình trạng chạy theo thành tích, giới thiệu những cầu thủ trẻ chỉ cốt được khen về sự nhìn xa trông rộng, chứ thực chất chẳng ra gì? Bệnh thành tích trong bóng đá cũng nguy hiểm không kém bất kỳ lĩnh vực nào khác trong cuộc sống.

Lại cũng có những trường hợp – đa số là ở châu Phi, cũng không loại trừ làng bóng Nam Mỹ – người ta khai gian tuổi để tự đánh bóng và kiếm tiền. Nghe đâu Nwankwo Kanu từng được cả thế giới khen ngợi năm nào, giờ đã ở vào khoảng giữa tứ tuần, dù cũng chính Kanu ấy từng gây tiếng vang trong đội hình Olympic (tức dưới 23 tuổi) Nigeria năm 1996. Đồng đội cùng trang lứa với Kanu trong đội tuyển Nigeria như Taribo West hoặc Jay-Jay Okocha giờ đã… tri thiên mệnh cả, dù họ đều được xem là ngôi sao rực rỡ cách đây chỉ khoảng chục năm. Ở đất nước Nigeria của họ, bạn xin cả giấy khai tử cho người mình ghét cũng được, huống hồ là tấm passport với tên tuổi mới, giá chỉ khoảng 50 USD. Các cầu thủ Nigeria tất nhiên phải theo cách ấy, bởi người ta sẽ chỉ ký hợp đồng với một cầu thủ giỏi ở tuổi 20 chứ chẳng ai tuyển mộ cầu thủ đã 30 tuổi. Cứ xem, các “ngôi sao trẻ” của bóng đá châu Phi biến đi đâu mất chỉ trong một vài năm, là đủ biết. Davies nói riêng cũng như bóng đá Anh nói chung phát triển một phần vì họ không sợ mang tiếng già, chẳng cần chạy theo thành tích trẻ hóa gì sất!

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.