Kỳ lạ làng nghèo Diepsloot

29/06/2010 23:28 GMT+7

Dưới những mái nhà thấp lè tè, người dân làng nghèo Diepsloot như cách biệt hẳn với thế giới ồn ào của World Cup.

Gia đình chị Popinge đang ngồi bên bếp lửa, cô nàng Sarah (bìa phải) luôn làm dáng với chiếc điện thoại - Ảnh: Đỗ Hùng

Dưới những mái nhà thấp lè tè, người dân làng nghèo Diepsloot như cách biệt hẳn với thế giới ồn ào của World Cup.

Trên đường trở về từ căn cứ đội tuyển Đức ở Erasmia, tôi đã bị hấp dẫn bởi những ngôi nhà xơ xác, bé như nắm tay hai bên đường. “Diepsloot đấy. Đây là một khu làng trong vô vàn những làng nghèo ở đất nước này”, bác tài William giới thiệu. “Ghé vào đi, tôi muốn xem cuộc sống người dân nơi đây”, tôi bảo. Và thế là tôi đã có một buổi chiều tối với những khám phá sửng sốt giữa một ngọn đồi nghèo xơ xác.

Giữa những ngõ hẹp Diepsloot

Dưới ánh nắng chiều, trước mắt tôi hiện ra một triền đồi mênh mông, với nhà mái tôn lúp xúp. Cảnh nghèo nàn ở đây đối với khách qua đường có một sức cuốn hút mãnh liệt, còn hơn cả sự náo nhiệt của chốn phồn hoa đô hội. Những người phụ nữ bán cỏ bên đường chào đón tôi tới làng Diepsloot bằng nụ cười phô hàm răng trắng đến lạ của người châu Phi.

“Chào bà, cỏ này để làm gì ạ?”, tôi hỏi. “Người ta mua để lợp nhà. Nhà ở đây nhiều cái có mái tôn, nhiều cái lợp bằng cỏ. Các khu nhà nghỉ đôi khi người ta cũng làm mái cỏ”, bà giải thích. Thứ cỏ bà bán cũng giống như cỏ tranh ở bên mình và cũng được sử dụng vào mục đích tương tự. Chỉ có khác là cỏ này mọc đầy hai bên vệ đường, tấn công cả vào khu dân cư nghèo Diepsloot.

Sau một hồi trò chuyện, những đứa trẻ lăn lộn dưới chân người đàn bà dẫn tôi đi sâu vào làng Diepsloot. Nhà ở đây rất nhỏ, hàng quán còn nhỏ hơn. Có những cái chỉ 2-3 người đứng là chật chỗ, đầu chạm mái. Trước mỗi ngôi nhà đều có một cái hộp làm bằng gỗ hoặc tôn cao cao. Tôi hỏi lũ nhóc: “Cái gì đây?”, chúng cười: “Nhà vệ sinh đấy!”. Trời, nhà vệ sinh sao lại làm ngay trước mặt tiền thế này, có phong thủy gì không đấy (!?), tôi thầm thắc mắc. Nhưng chỉ một chốc sau, cái sự thắc mắc của tôi đã được giải tỏa. “Phía bên trong không còn chỗ nên phải làm toa-lét trước cửa. Làm thế sau này cũng dễ dọn vệ sinh. Tí nữa tôi sẽ dẫn anh đi loanh quanh cho biết”, anh chàng Dede, 22 tuổi, giải thích. Đầu tiên, anh ta đưa tôi tới thăm “nhiệm sở” của mình. Đó là một cái quán cắt tóc, bốn vách và mái đều làm bằng tôn, mỗi chiều chỉ chưa đầy 2 mét. “Anh cắt không? Tôi tia cho vài đường, chỉ 30 rand thôi”, Dede chào hàng. Tôi xoa tay lên đầu mình, thấy tóc còn ngắn, lại nhìn cái đầu trọc lóc của anh ta, tôi chột dạ, nên lắc đầu. Lỡ ông này cắt tóc mình thành như đầu Robinho thì chết, tôi nghĩ bụng.

Dede dẫn tôi đi thăm xóm giềng của anh. Đầu tiên là anh Mkhalu đang bổ củi trước nhà. Anh dùng những cái đe đóng vào thanh củi lớn, rồi lấy búa tạ bổ xuống. Từng mảnh củi văng ra. “Bổ để đốt lò, tối cả nhà sưởi cho ấm trong lúc xem bóng đá”, Mkhalu giải thích. Tôi giật mình, chợt nhớ lại lý do chính khiến mình đến đất nước Nam Phi này là World Cup 2010. “Các anh cũng xem bóng đá à? Thích đội nào?”, tôi hỏi. Mkhalu đáp, giọng không sôi nổi lắm: “Tất nhiên là Bafana Bafana, nhưng bị loại rồi. Giờ chúng tôi cổ vũ cho Ghana”. Tôi chợt nhớ mình từng gặp trên khán đài sân Soccer City mấy hôm trước, một người đàn ông Nam Phi giương cao khẩu hiệu: Ghana, hãy hành động vì châu Phi. Ở đây, có một niềm kỳ vọng châu lục đang sống, âm thầm mà mãnh liệt.

Luồn qua những con ngõ hẹp, đủ để hai người lách nhau, tôi ghé nhà này nhà kia, trò chuyện và bắt tay với tất cả những ai mình gặp. Dede chốc chốc lại giới thiệu với tôi cái này cái nọ, có khi anh nhắc tôi cúi người xuống kẻo đụng mái nhà. Khác với chốn đô hội Johannesburg hay Pretoria, ở đây rất thanh bình, dù bên ngoài có vẻ nhếch nhác và bất an. Ai gặp tôi cũng cười, thấy tôi giương máy ảnh lên là lấy tay che mặt vì ngượng, hoặc làm dáng cho tôi chụp. Đối với họ, được chụp ảnh hoặc đón một vị khách lạ dường như là thú vui đặc biệt. Tôi đọc được sự háo hức của họ trên khuôn mặt, trên những cái bắt tay và những câu chào như chim hót, dù không phải tất cả những người tôi gặp mặt đều nói tiếng Anh.

Nàng Sarah

“Ấm quá! Ấm quá!”, tôi vừa hơ tay lên bếp lửa nhà chị Popinge vừa nói. Cả nhà chị đang quây quần quanh bếp lò làm bằng tôn, giữa là những viên than hồng. Tôi hỏi: “Cả nhà cứ ngồi sưởi ấm suốt thế này à?”. Chị Popinge đáp: “Vâng, khi trời ấm thì chạy loanh quanh, đi xách nước hoặc bán hàng này nọ. Lúc rảnh và trời quá lạnh thì ngồi hơ tay”. Tôi giơ máy ảnh lên bấm rẹt rẹt, cả nhà nhao nhao, đứng xếp hàng cho tôi chụp. Tôi bảo: “Cứ ngồi tự nhiên chụp mới đẹp, đừng làm dáng!”. Ấy thế mà cái cô nàng phía sau - tên Nam Phi cái gì mà Zula, Zuli gì đó rất khó đọc, nhưng cứ nhất mực muốn được gọi là Sarah - mỗi lần thấy tôi giơ máy lên là y như rằng móc điện thoại áp vào tai, giả bộ như đang gọi cho ai đó. Khu làng này thật nghèo, sự sôi động của World Cup, không khí đô hội bên kia đồi hầu như không lan tới, nhưng Sarah vẫn muốn chứng tỏ là mình vẫn tiếp cận được những tiện nghi hiện đại. Nàng áp điện thoại lên tai và làm điệu như là một cách vượt thoát, về mặt tinh thần, khỏi chốn nghèo nàn này, tôi nghĩ thế. “Anh đến đây làm gì?”, Sarah hỏi. Tôi đáp: “Xem bóng đá. Tôi đến Nam Phi để xem World Cup”. Nàng trố mắt: “World Cup ư?”. Tôi nói: “Phải, bóng đá ấy!”, và hỏi thêm: “Cô thích bóng đá không?”. “Thích chứ!”, nàng đáp. “Rất thích Bafana Bafana. Sẽ ủng hộ đội tuyển tới cùng”. Tôi định nói rằng Bafana Bafana của nàng đã bị loại, nhưng rồi lại thôi, sợ nàng mắc cỡ.

Tôi lại theo Dede loanh quanh khắp xóm. Sarah và vài người nữa hộ tống tôi, như một yếu nhân vậy. Ở đây thật kỳ lạ, cảm giác bất an thường trực khi tôi bước trên những con đường đông đúc ở Johannesburg biến mất. Đổi lại là một cảm giác bình an. Ở đây nhà cửa tuềnh toàng, chủ nhân đi vắng không cần khép. Ở đây không có những lưới điện trần bao quanh. Có lẽ do ở đây nhà nào cũng giống nhà nào. Không có sự cách biệt giàu nghèo để mà đố kỵ, để mà nổi lòng tham. Cái tôi không có cũng là cái anh không có. Tất cả mọi người đều không có cái gì, ngoài tấm lòng và những nụ cười chân tình, phô hàm răng trắng.

Đêm dần buông xuống, nơi mảnh đồi Diepsloot nghèo hàng trăm, hàng ngàn bếp lửa được nhóm lên. Ánh lửa sáng rực, soi những gương mặt hồng đang chăm chú trước màn hình ti vi. Chỉ đến lúc này thì cái không khí sôi động của World Cup mới có vẻ như lan tỏa chút chút giữa chốn cơ hàn.

Tôi chia tay Diepsloot giữa chừng trận đấu Brazil - Chile, khi cầu thủ Robinho vừa ghi bàn. Dưới những mái tôn thấp lè tè, tôi nghe tiếng reo hò vang lên, một niềm phấn khích đang bùng lên đây đó, như những bếp than hồng mà tôi vừa hơ tay.

Trước khi đóng cửa xe, tôi nhìn lại Diepsloot một lần nữa. Cả khoảng sườn đồi tràn ánh lửa, nhà nhà san sát, lúp xúp như nhau. Giữa khoảng nhà cửa rộng mênh mông ấy là những cần ăng-ten tivi đâm tua tủa. Bên kia đường, người đàn bà tôi gặp ban chiều bắt đầu thu dọn vựa cỏ của mình. Lũ trẻ đã về nhà để tránh gió lạnh.

Đóng cửa xe, tôi trực chỉ Johannesburg. Diepsloot nghèo nàn chỉ cách chốn đài các chốn giàu sang như Dainfern và Chartwell một cái nhấn ga, ấy vậy mà như cách xa hàng ngàn dặm vậy. Không khí sôi động của chốn đô thị văn minh, của World Cup chỉ biết đến qua truyền hình.

Tôi thiếp đi, trong đầu vẫn còn loáng thoáng lời hẹn của Sarah: “Anh trở lại nhé”. Lúc nãy tôi đã cười, chẳng lắc đầu mà cũng không gật đầu. Không phải Sarah đợi tôi với một trái tim cháy bỏng như bếp lửa hồng kia, nàng mong tôi trở lại để xem những tấm hình tôi chụp nàng. Vâng, đó là những tấm hình nàng đang cầm chiếc điện thoại, giữa một Diepsloot nghèo nàn và hẻo lánh.

Đỗ Hùng (từ làng Diepsloot, tỉnh Gauteng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.