Lỗi hệ thống

28/11/2012 09:54 GMT+7

(TNO) Vậy là tuyển Việt Nam (VN) một lần nữa bại trận trước Philippines tại AFF Cup, đúng như nỗi lo lắng của nhiều người trước trận đấu này. Bàn thắng của Caligdong ở phút 86 như chiếc đinh đóng vào trái tim của hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà, nhưng nó là một kết quả tất yếu, bởi Philippines chơi hay hơn, hợp lý hơn chúng ta.

(TNO) Vậy là tuyển Việt Nam (VN) một lần nữa bại trận trước Philippines tại AFF Cup, đúng như nỗi lo lắng của nhiều người trước trận đấu này. Bàn thắng của Caligdong ở phút 86 như chiếc đinh đóng vào trái tim của hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà, nhưng nó là một kết quả tất yếu, bởi Philippines chơi hay hơn, hợp lý hơn chúng ta.

>> Tuyển Việt Nam để cho Philippines vượt qua 1-0
>> Việt Nam - Philippines: Trận chiến không khoan nhượng!
>> HLV Philippines bị cấm chỉ đạo trận gặp Việt Nam


Tuyển Việt Nam vừa tiếp tục nhận thất bại cay đắng trước Philippines - Ảnh: Khả Hòa

Trận thua này cũng gần như đã khép lại cánh cổng đi tiếp vào bán kết của tuyển VN, bởi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng không còn tự quyết định số phận của mình ở lượt đấu còn lại.

Vậy chúng ta thấy được điều gì sau trận đấu thua này? Đó là lỗi hệ thống từ đội tuyển cho đến bộ máy điều hành Bóng đá VN.

Trước tiên, nền Bóng đá VN đang thụt lùi khá nhanh trên bản đồ Bóng đá Đông Nam Á. Nhìn danh sách cầu thủ tham dự AFF Cup 2012, dù là người lạc quan nhất cũng không dám khẳng định tuyển VN sẽ vào đến trận bán kết (chứ không phải chung kết như mục tiêu của các lãnh đạo VFF).

Ở vị trí trung vệ, chúng ta chỉ có Minh Đức, Gia Từ thường xuyên được thi đấu sau khi Phước Vĩnh bất ngờ bị chấn thương trước giờ sang Thái Lan. Minh Đức chơi không đúng sức ở trận Myanmar khiến tuyển VN mất điểm. Sang trận gặp Philippines Đức chơi rất hay nhưng bị chấn thương nặng phải rời sân 10 phút cuối trận, tuyển VN nhận ngay bàn thua vì cầu thủ vào thay thế sau đó không đảm đương được nhiệm vụ.

Ở hàng tiền đạo, ông Hùng cũng chỉ có Công Vinh và Quang Hải, cho dù cả hai đều đã qua thời đỉnh cao. Và một khi đã không còn phong độ tốt nhất, hàng công của tuyển VN tịt ngòi cũng là lẽ đương nhiên.


HLV Phan Thanh Hùng (đứng) không truyền "lửa" được cho các học trò - Ảnh: Khả Hòa

Ngoài việc đội hình quá mỏng ở hàng hậu vệ và tiền đạo, chúng ta còn thiếu tinh thần chiến đấu như các đội trước đây. Với tư cách HLV trưởng, ông Phan Thanh Hùng không thể thổi chất lửa, vũ khí rất quan trọng, vào từng cầu thủ như ông Weigang hoặc Calsito đã từng làm được trước đây.

Ống kính truyền hình thường cho thấy ông Hùng ngồi căng thẳng quan sát học trò trên sân hơn là đứng ở khu kỹ thuật hò hét như các HLV ngoại. Thiếu chất lửa từ HLV, các cầu thủ trên sân cũng mất luôn lửa nhiệt huyết thi đấu. Đó là lỗi hệ thống ở đội tuyển!

Nhưng thất bại của tuyển VN trước Philippines không phải lỗi hoàn toàn từ ông Hùng và các cầu thủ, bởi khả năng của họ chỉ có thế, không thể bắt họ làm hơn được. Lỗi chính là ở cả hệ thống làm bóng đá của VN, xuất phát từ trước cả chức vô địch AFF Cup 2008, danh hiệu khiến chúng ta luôn nằm trong giấc mộng “bá chủ” đứng đầu khu vực khi đánh bại Thái Lan.

Chúng ta chỉ mải lo chạy theo những hợp đồng, mức lương khủng cho các cầu thủ ngoại và những “ông sao” tại V-League, để hão huyền rằng giải đấu của chúng ta hay nhất, hấp dẫn nhất Đông Nam Á, trong khi cả mảng đào tạo trẻ để trống sau lưng. Những tài năng trẻ hiếm hoi lại không có đất thi thố vì đã bị mấy “ông Tây” chiếm mất.

Hậu quả là ông Hùng phải thừa nhận những tiền đạo mình có là tốt nhất VN hiện nay trước giải VFF Cup! Trên khán đài, khán giả ngày càng quay lưng với giải đấu, mà một khi thượng đế quay lưng thì giải đấu đó trở thành giải đấu “chết”.


Thất bại này sẽ khiến VFF thay đổi? - Ảnh: Khả Hòa

Người Thái sau những thất bại thời gian qua đang xóa đi làm lại từ đội tuyển cho đến giải Thai-League. Cựu HLV tuyển VN Calisto trong thời gian dẫn dắt CLB Muang Thong từng nhận xét trình độ tổ chức giải bóng đá cao nhất của Thái Lan và VN là quá cách biệt.

Theo ông Calisto, các sân bóng ở Thai-League luôn đông khán giả hơn V-League. CĐV đến sân được thưởng thức ngày hội bóng đá thật sự. Họ reo hò cuồng nhiệt suốt 90 phút thi đấu, được hòa mình trong không khí bóng đá thật sự. Họ mua áo cầu thủ hay những vật kỷ niệm liên quan đến CLB họ yêu thích...

Để có được những điều trên, người Thái đã đầu tư rất nhiều cho công tác tổ chức. Họ đã cử người qua Anh học tập cách làm của Premier League, giải đấu kiếm tiền hàng đầu thế giới.

Ở cấp độ đội tuyển, Thái Lan đã thể hiện một bộ mặt mới tại AFF Cup 2012: chững chạc, bản lĩnh của một đội bóng lớn khi hạ gục Philippines và Myanmar. Bản thân HLV người Đức Schaefer coi việc đưa cái tên Thái Lan lọt vào top 100 trên bản đồ bóng đá thế giới quan trọng hơn việc đoạt chức vô địch ở giải đấu ao làng.

Và chỉ khi nào đặt ra mục tiêu cạnh tranh với các đội hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Qatar…, thì nền bóng đá nước ấy mới vươn tầm khỏi ao làng cũ kỹ, lạc hậu.

Sửa lỗi hệ thống không phải là quá khó, chỉ có điều các lãnh đạo của VFF có chịu làm và làm đến nơi đến chốn hay không mà thôi.

Quốc Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.