Lòng trung thành trong bóng đá

23/01/2011 16:33 GMT+7

(TNO) Tiền đạo Darren Bent có xứng đáng bị lăng mạ vì đào thoát khỏi Sunderland và HLV Steve Bruce có đủ tư cách rao giảng về lòng trung thành?

Darren Bent đã ghi bàn ngay trận đầu tiên chơi cho Aston Villa - Ảnh: AFP

(TNO) Tiền đạo Darren Bent có xứng đáng bị lăng mạ vì đào thoát khỏi Sunderland và HLV Steve Bruce có đủ tư cách rao giảng về lòng trung thành?

Darren Bent là kẻ phản bội, là tên Judas, là kẻ hám lợi. Đó là những lời sỉ vả mà tiền đạo người Anh nhận phải sau vụ đầu quân cho Aston Villa trong tuần qua. Một số kẻ quá khích thậm chí còn đe dọa sẽ sát hại Bent trên Twitter vì đã bỏ rơi Sunderland.

Đây là những câu chuyện đáng buồn thường diễn ra mỗi khi có một cầu thủ thay đổi CLB. Sự phẫn nộ của các cổ động viên có thể được thông cảm do sự mù quáng trong khái niệm về lòng trung thành của họ. Song điều thật sự gây phiền muộn là một số kẻ trong cuộc, những người lẽ ra phải hiểu rõ hơn, lại đổ thêm dầu vào lửa trong câu chuyện nhảm nhí về sự phản bội.

HLV của Sunderland Steve Bruce là người đầu sỏ trong chuyện này khi đăng đàn tố cáo Bent là kẻ phản bội. Với vai diễn của một người tình bị phụ rẫy, Bruce lớn tiếng thổn thức rằng “toàn thể CLB có đủ mọi quyền để cảm thấy bị bỏ rơi bởi Bent”.

Đây là điều lố bịch. Không người nào có bất cứ thứ quyền gì để lên án Bent. Bent là thực hiện đúng những gì mà bất kỳ một công nhân, kỹ sư hay huấn luyện viên sẽ làm. Anh nhận lấy cơ hội kiếm được món tiền lớn hơn từ một người chủ khác. Chơi bóng là nghề nghiệp của Bent, như mọi nghề nghiệp khác. Mối quan hệ giữa Bent và Sunderland, trước hết, là quan hệ công việc. Nó không giống như một cuộc hôn nhân lầm lạc cần phải được cứu vãn vì lợi ích của những đứa trẻ.

Bên cạnh đó, Bruce không phải người thích hợp để thuyết giáo về lòng trung thành. Chính ông là người đã rời bỏ Wigan chỉ chưa đầy hai tháng sau khi nhậm chức vào năm 2001 để chuyển sang Crystal Palace, nơi ông ở lại ba tháng trước khi đồng ý gia nhập Birmingham. Cũng chính Bruce đã mang theo Lee Cattermole sang Sunderland khi ông bỏ rơi Wigan lần thứ hai.

Lúc còn là cầu thủ, Bruce cũng đình công ở Norwich City khi vụ chuyển nhượng của ông đến Manchester United gặp trở ngại do vấn đề tiền phí. Bruce tuyên bố Norwich đã từ chối ông “một cơ hội cả đời” và cuối cùng cũng được thỏa nguyện. Chẳng có điều gì gọi là lòng trung thành ở đây cả.

Điều đáng buồn cười nữa là Bruce lên án việc Bent hoàn tất vụ chuyển nhượng một cách nhanh chóng như một bằng chứng cho sự bội bạc. Làm sao Bent có thể đến Aston Villa trong vòng 3 ngày nếu Sunderland không nhanh nhẩu đồng ý bán? Với con số 24 triệu bảng tiền chuyển nhượng, ai mới là kẻ hám lợi?

Có lẽ những người bi quan sẽ tự hỏi liệu còn có điều gì để tin tưởng trong bóng đá? Lòng trung thành là một mối quan hệ hai chiều. Liệu Sunderland có do dự khi thải hồi một cầu thủ đã hết giá trị sử dụng, Bruce có cân nhắc về lòng trung thành nếu nhận được lời mời dẫn dắt Manchester United?

Những người xứng đáng với sự trung thành thường sẽ nhận được nó. Ryan Giggs và Manchester United hay Paolo Maldini và AC Milan là những ví dụ. Sự chung thủy của họ đến từ cả hai phía. Đây là những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ trong bóng đá song điều đó không có nghĩa các cầu thủ thay đổi CLB đều là những kẻ đáng ghét.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.