Luật bóng đá và luật công bằng

04/07/2010 00:52 GMT+7

Sau khi dùng cả hai tay cản trái bóng đang bay vào lưới như một vận động viên bóng chuyền, tiền đạo Uruguay Suarez biện minh: “Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Uruguay có thể bị loại nếu để thủng lưới. Tôi nghĩ bàn tay của Chúa đã ứng vào tôi. Tôi xứng đáng nhận thẻ đỏ. Không ai muốn rời sân như thế nhưng không còn lựa chọn khác”.

Nỗi đau Ghana - Ảnh: Reuters

Sau khi dùng cả hai tay cản trái bóng đang bay vào lưới như một vận động viên bóng chuyền, tiền đạo Uruguay Suarez biện minh: “Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Uruguay có thể bị loại nếu để thủng lưới. Tôi nghĩ bàn tay của Chúa đã ứng vào tôi. Tôi xứng đáng nhận thẻ đỏ. Không ai muốn rời sân như thế nhưng không còn lựa chọn khác”.

Và như thế, Suarez đã thành “người hùng” của Uruguay khi cú chơi bóng chuyền trong sân bóng đá của anh đã cứu một trận thua, và mở luôn cánh cửa vào bán kết cho Uruguay khi họ sút thành công loạt luân lưu sau đó.

Người Ghana chỉ còn biết khóc, khi Chúa không “ứng” vào cú sút phạt đền của Gyan. Một bất công lớn trong bóng đá đã xảy ra. Chẳng lẽ, Chúa chỉ ủng hộ những kẻ láu cá và biết lách luật? Vì nếu chiếu theo thực tế, thì bóng đã bay tới ngang vạch vôi và không có lý do gì để không bay tiếp vào lưới Uruguay, nếu không có cái mà Suarez gọi là “bàn tay của Chúa”. Nếu chiếu theo luật công bằng, bàn thắng ấy phải được công nhận ngay, bất chấp chuyện trái bóng đã được đẩy ra bằng cả hai tay. Chuyện phạt thẻ đỏ thẻ vàng tính sau! Thế nhưng luật bóng đá không cho phép chơi bóng bằng tay, nhưng lại thiếu quy định rõ, như trường hợp trong trận Ghana - Uruguay vừa rồi thì trọng tài chỉ máy móc “phạt thẻ đỏ, cho hưởng penalty”. Thẻ đỏ khi trận đấu chỉ còn mấy giây nữa là kết thúc thì cũng chẳng giải quyết được gì, còn penalty thì đúng là “món quà may rủi”. Hôm qua, Ghana đã không nhận được món quà đó khi Gyan do quá căng thẳng đã sút bóng bật xà ngang. Đó là khoảnh khắc vượt quá sức chịu đựng của thần kinh một cầu thủ bình thường. Bằng chứng là sau đó, trong khi thực hiện đầu tiên loạt sút luân lưu, Gyan đã không mắc một sai lầm nào. Ghana nói riêng, châu Phi nói chung đã bị tước đoạt oan uổng một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao, khi đội bóng của họ đã ở ngưỡng cửa vào bán kết một kỳ World Cup tổ chức ngay trên lục địa mình.

Nhân chuyện này, có lẽ FIFA nên rà soát lại luật bóng đá đến từng chi tiết, để những quyết định bất công như thế sau này không còn đổ ập lên đầu bất cứ đội bóng nào nữa. Dù Uruguay chơi bóng điêu luyện hơn, nhưng chính Ghana mới biến trận đấu thành một bữa tiệc với lối chơi bóng hồn nhiên, mạnh mẽ và không biết sợ hãi. Họ đã chơi bóng bằng cả trái tim mình, đã chuyển được thế trận từ bất lợi ban đầu tới thuận lợi khi hiệp đấu hay trận đấu sắp kết thúc. Bàn thắng ở phút 45+1 của Muntari, và tình huống lẽ ra là bàn thắng ở những giây cuối cùng của hiệp phụ thứ 2 đã nói lên sự quật khởi đột biến của Ghana, và nó mang lại cho người xem những cảm xúc tột đỉnh. Đội bóng lẽ ra được vào bán kết đã phải âm thầm rời cuộc chơi. Nỗi đau của sự bất công này không thể nguôi ngoai trong một sớm một chiều.

Nhà thơ Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.