“Mác” tuyển thủ

14/09/2010 08:54 GMT+7

1. Trên dưới 50 tuyển thủ đang có mặt ở cả đội tuyển Quốc gia và đội tuyển Olympic Quốc gia vào lúc này. Giá thị trường của từng người trong số họ cũng chẳng ai thấp hơn vài tỉ đồng.

1. Trên dưới 50 tuyển thủ đang có mặt ở cả đội tuyển Quốc gia và đội tuyển Olympic Quốc gia vào lúc này. Giá thị trường của từng người trong số họ cũng chẳng ai thấp hơn vài tỉ đồng.

Thế nên, không quá lời khi cho rằng mỗi đội tuyển đang được tập trung là đội bóng triệu đô. Điều này cũng chẳng phải là điều lạ trong đời sống bóng đá thế giới, bởi các đội tuyển hàng đầu châu Âu hay Nam Mỹ đều là các đội tuyển đắt giá cả.

Nhưng có một điểm khác biệt rất lớn giữa sự giàu có của các đội bóng trên thế giới với sự đắt giá của các đội tuyển tại Việt Nam: Thường thì các tuyển thủ quốc gia hàng đầu thế giới đã nổi tiếng, đã thành danh (mà trong bóng đá chuyên nghiệp, thành danh cũng đồng nghĩa là có tiền) rồi mới được biết đến và được chọn lên tuyển.

Trong khi đó, trong bóng đá nội, không ít trường hợp cầu thủ lên tuyển rồi mới nổi tiếng và mới tìm thấy cơ hội… kiếm tiền tỉ. Bởi trước đó họ hoàn toàn vô danh trong đời sống bóng đá nội, vô danh ngay cả với những người thường xuyên theo dõi các giải đấu trong nước.

Tuấn Vũ mùa trước là một ví dụ. Năm 2009, chẳng ai biết cầu thủ thời đó đang khoác áo Huda Huế này là ai, cho đến khi anh được HLV Calisto gọi lên tập trung ĐTQG, chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2011. Trong những ngày tập trung cùng ĐTQG, Tuấn Vũ không một lần xuất hiện trong đội hình chính thức của đội tuyển ở các trận giao hữu.

Nhưng sau đó, nhờ cái mác tuyển thủ mà anh này được định giá đến 3 tỉ đồng khi từ Huda Huế chuyển đến V.Ninh Bình (cũng chỉ để ngồi dự bị rồi mất hút).

Sỹ Mạnh cũng vậy. Hai năm nay, Sỹ Mạnh chưa một lần chứng tỏ mình ở các giải đấu lớn. Hai năm nay, Sỹ Mạnh luôn là lựa chọn cuối cùng cho một suất tiền đạo trên tuyển, nhưng anh vẫn được trả đến 5 tỉ đồng khi từ V.Ninh Bình đến Quảng Nam Xuân Thành giữa mùa giải 2010, cũng nhờ cái mác tuyển thủ Quốc gia.

Thử hỏi, nếu không có cái mác tuyển thủ Quốc gia, họ có được định giá cao như thế không?

2. Thế nên, năm nay, khi có đến trên 50 cầu thủ được triệu tập cho hai đội tuyển ở hai đầu đất nước, không ít người đã tự hỏi rằng, sẽ có bao nhiêu người trong số hơn 50 cầu thủ nọ, cố tìm cách tự đẩy giá của mình lên cao, sau khi may mắn có được cái mác tuyển thủ Quốc gia?

Dĩ nhiên, được vinh dự khoác đội tuyển là điều mà mọi cầu thủ đều muốn. Khát khao đóng góp cho ĐTQG là yếu tố mà mọi cầu thủ cần phải có. Nhưng nếu mượn cái mác tuyển thủ Quốc gia để kiếm tiền chuyển nhượng cao thì đấy là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Đấy là câu chuyện có thể liên quan đến cả những nhà môi giới cầu thủ, những người luôn có thói quen đẩy giá chuyển nhượng của cầu thủ Việt Nam lên cao hơn giá trị thực của chính cầu thủ ấy.

Lên tuyển và đóng góp cho đội tuyển là cơ hội lớn đối với những cầu thủ bóng đá. Nhưng đôi khi, cơ hội có mặt ở đội tuyển không chỉ là vinh dự của riêng những người muốn khao khát cống hiến, mà đó còn là thời cơ lớn cho những kẻ cơ hội, những người sẵn sàng định giá cái mác tuyển thủ, trước khi tầm thường hóa đội tuyển vì suy nghĩ cơ hội của chính mình!

Tung Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.