Nghe khẩu khí, luận kiếm pháp

01/09/2010 10:41 GMT+7

Javier Mascherano hứa hẹn anh sẽ “tiết lộ sự thật” đằng sau cú chuyển nhượng từ Liverpool sang Barcelona. Anh tuyên bố: “Đã có những lời nói dối, và tôi sẽ trả lời những sự dối trá ấy”.

Javier Mascherano hứa hẹn anh sẽ “tiết lộ sự thật” đằng sau cú chuyển nhượng từ Liverpool sang Barcelona. Anh tuyên bố: “Đã có những lời nói dối, và tôi sẽ trả lời những sự dối trá ấy”.

Chẳng biết là có hay không, hoặc nếu có thì vấn đề nghiêm trọng đến mức nào. Nhưng chắc chắn là không có chuyện “cơm lành, canh ngọt” giữa Mascherano và HLV Roy Hodgson của Liverpool. Nếu như mọi chuyện tốt đẹp thì Mascherano ra đi làm gì?

Hôm nay, “cửa sổ mùa hè”, tức đợt chuyển nhượng quan trọng nhất trong năm, chính thức khép lại. Sẽ có hàng loạt bản hợp đồng mới được công bố vào giờ chót (năm nào cũng vậy). Và cũng sẽ có hàng loạt “tiết lộ” giống như những gì Mascherano hứa sẽ công bố? Đấy chẳng qua là những lời nói xấu nhằm vào CLB cũ hoặc HLV cũ mà thôi. Cũng chẳng phải đợi đến cuối mùa chuyển nhượng, vài ngày sau khi tuyên bố “Tôi thuộc mẫu cầu thủ luôn tôn trọng hợp đồng đến ngày cuối cùng”, Rafinha đã chuyển sang Genoa và ngay lập tức “tiết lộ”: thầy cũ Felix Magath ở Schalke là nhà độc tài cuối cùng ở châu Âu!

Thường thì những lời nói xấu nhằm vào đội bóng cũ không đem lại chút lợi ích gì cho cầu thủ trong cuộc cũng như cho CLB mới. Đôi khi, nói xấu kiểu ấy lại dẫn đến tác dụng ngược: hóa ra cầu thủ trong cuộc không còn đất dụng võ ở đội bóng cũ nên đành “bỏ của chạy lấy người”. Phát biểu ầm ĩ sau khi chuyển nhượng thường là phản ứng không hay, nhưng ít ra cũng không đến nỗi quá tệ như những trường hợp “nhanh nhẩu đoảng”. Cứ theo những lời bình phẩm của Martin Demichelis khi anh thu xếp va-li thì HLV Louis van Gaal cũng như CLB Bayern Munich đều chẳng ra gì. Kịch tính là ở chỗ, Demichelis quyết định đi, nhưng hóa ra những tin đồn trên thị trường chuyển nhượng chỉ do báo chí thêu dệt, chứ có CLB nào muốn mua anh đâu. Van Gaal nói ngay sau khi Demichelis lên tiếng: “Nếu anh ta muốn đi, chúng tôi sẵn sàng bán ngay. Bayern còn khối trung vệ xuất sắc, kể cả các cầu thủ từ đội trẻ”. Rao đến thế mà vẫn chẳng thấy ai ra giá. Rút cuộc, Demichelis đành tự vả vào miệng mình: “Tôi sẽ ở lại Bayern. Tôi thấy tự hào khi khoác áo CLB này. Tôi sẽ cạnh tranh ra trò để có chỗ đứng”.

Các ngôi sao nhà nghề đích thực thường không bao giờ mắng mỏ CLB cũ. Kể cả khi bị Alex Ferguson vô cớ đá luôn chiếc giày vào mặt, cùng rất nhiều chuyện “độc tài” khác của ngài Alex, David Beckham vẫn không chê bai nửa lời khi anh chuyển sang Real Madrid. Ít ra cũng “chừa đường lùi”. Nếu Fabio Aurelio cũng có thái độ cay cú sau khi bị Liverpool “trả tự do” cuối mùa trước, chắc chắn anh đã không được ký lại hợp đồng trong mùa bóng này, khi Roy Hodgson đến Liverpool huấn luyện. Một cái lợi khác khi các cầu thủ tránh được thói quen tầm thường (và tai hại) về chuyện đả kích CLB cũ là ở chỗ: anh ta sẽ không bị đối đầu trong bầu không khí thù hằn khi trở lại làm khách trên sân bóng cũ. Carlos Tevez và Emmanuel Adebayor sẽ không bao giờ được hoan nghênh khi trở lại sân Old Trafford của M.U, hoặc sân Emirates của Arsenal.

Thôi thì, đấy chẳng qua chỉ là chuyện cư xử thiếu khôn ngoan, trong lĩnh vực nào cũng có. Nhưng còn một vấn đề nữa: mức độ khôn ngoan trong ứng xử cũng ít nhiều liên quan giá trị chuyên môn của cầu thủ (ăn nói không khôn ngoan thì chơi bóng thường cũng thiếu khôn ngoan). Nghe khẩu khí luận kiếm pháp – chỗ này thì bóng đá cũng hơi giống… kiếm hiệp.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.