Nhà đòn hay... nhà thổ, đều được!

29/09/2012 17:24 GMT+7

(TNO) Hy Lạp là một trong những đất nước khó khăn nhất trong cơn khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và không có lý do gì bóng đá Hy Lạp lại thoát khỏi tình trạng bi đát.

(TNO) Hy Lạp là một trong những đất nước khó khăn nhất trong cơn khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và không có lý do gì bóng đá Hy Lạp lại thoát khỏi tình trạng bi đát.

>> Báo chí Hy Lạp thách thức Đức
>> Đức phải “sát thủ” hơn trước Hy Lạp
>> Ba Lan hưng phấn, Hy Lạp tự tin  

 
Phía trước của áo đấu CLB Paliopygris FC - Ảnh: beforeitsnews

Đây là thời buổi khó khăn và các đội “nhà nghèo” trong bóng đá đỉnh cao không có quyền “kén cá, chọn canh”.

Tổng giám đốc Lefteris Vasiliou của CLB Paliopygros FC giải thích lý do vì sao đội này ký hợp đồng tài trợ với một… nhà đòn: “Đây là vấn đề sống còn của đội bóng. Suốt ba năm nay, chúng tôi đã không tìm ra nhà tài trợ nào. Ông chủ nhà đòn là một người bạn của đội bóng và chúng tôi nhanh chóng đạt được thỏa thuận”.

Thế là Paliopygros FC ra sân trong trang phục tuyền đen, lại có hình ảnh một cây thánh giá màu tím khá to ở mặt trước của áo. Phía trên cây thánh giá là những dòng chữ ghi tên và địa chỉ của công ty mai táng!

Trong khi Paliopygros FC vớ được ông chủ nhà đòn thì một đội bóng khác, cũng ở Hy Lạp, lại may mắn được một… nhà thổ ở địa phương tài trợ. Đó là đội Voukefalas, với chiếc áo màu hồng với những chi tiết màu đen và tên cùng logo của nhà thổ nọ chình ình trên áo.

 
Đội Voukefalas với chiếc áo màu hồng với những chi tiết màu đen và tên cùng logo của nhà thổ nọ chình ình trên áo - Ảnh: beforeitsnews

Chủ tịch CLB Giannis Batziolas trả lời phỏng vấn: “Đây là một vấn đề kinh tế thuần túy. Khi họ (nhà thổ) đưa ra đề nghị, chúng tôi thấy các điều khoản quá hấp dẫn, không thể nào từ chối”. Batziolas kể thêm: khi các cầu thủ biết rõ đâu là nhà tài trợ, họ liền hỏi về phần thưởng mỗi khi chiến thắng!

Hy Lạp là một trong những đất nước khó khăn nhất trong cơn khủng hoảng kinh tế ở châu Âu, và không có lý do gì bóng đá Hy Lạp lại thoát khỏi tình trạng bi đát này.

Ít ra, nỗ lực vùng vẫy để tồn tại của các đội bóng nêu trên cũng đáng ghi nhận, từ đó người ta hiểu thêm vì sao các đội nổi tiếng hơn trong làng bóng Hy Lạp cũng không đến nỗi tan nát. Hiện thời, Olympiakos đang góp mặt ở Champions League trong khi Panathinaikos dự vòng bảng Europa League.

Xét về kinh tế, bóng đá Ba Lan dù có khó khăn chắc cũng không đến nỗi nguy ngập như Hy Lạp. Nhưng đây đã là lần thứ 6, Ba Lan không có đại diện nào ở vòng đấu bảng của Europa League hoặc Champions League.

Bóng đá Ba Lan vốn dĩ mạnh hơn Hy Lạp. Quyền đăng cai Euro 2012 cũng là điều kiện tốt đẹp để nền bóng đá từng có Zwigniew Boniek hoặc Grzegorz Lato vươn lên về mặt tài chính. Họ đã sẵn có sân bãi cùng cơ man những thuận lợi khác về hạ tầng cơ sở. Nhưng bóng đá Ba Lan đâu có khá lên nhờ Euro 2012. Vẫn câu trả lời muôn thuở: “Không có tiền”!

Không có tiền, như bóng đá Hy Lạp, thì nhà thổ hay nhà đòn cũng được, dù hơi tếu táo nhưng chẳng ai chê cười.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.