Nhớ thời hoàng kim

09/10/2010 09:02 GMT+7

Không khó xác định vị trí của Áo, Hungary, Scotland và Bỉ trong bản đồ bóng đá châu Âu ngày nay.

Diego Forlan - Cầu thủ xuất sắc nhất VCK World Cup 2010

Không khó xác định vị trí của Áo, Hungary, Scotland và Bỉ trong bản đồ bóng đá châu Âu ngày nay.

Nếu như cho rằng các đội Slovakia, Hy Lạp, Latvia, Slovenia nằm ở đẳng cấp trung bình (vì ít ra họ đã góp mặt ở VCK EURO hoặc World Cup trong thời gian gần đây) thì Áo, Hungary, Scotland, Bỉ phải bị xếp vào nhóm trung bình – yếu. Bây giờ, quá khó để một trong các đội vừa nêu được góp mặt trở lại ở VCK của một giải bóng đá lớn.

Ngày xưa, Hungary 2 lần vào đến chung kết World Cup. Không ai không biết thế hệ của những Puskas, Czibor, Hidegkuti, Bozsik – những người đã làm nên “đội bóng vàng” Hungary, chỉ thua đúng 1 trận trong suốt 6 năm. Sau thế hệ ấy, Hungary tiếp tục sản sinh Florian Albert, cầu thủ đoạt “quả bóng vàng châu Âu” năm 1967. Áo từng có “Mozart của bóng đá” tức Matthias Sindelaar, sau này có Prohaska, Polster, Krankl. Scotland và Bỉ thì đã tung hoành trong thập niên 1980 với các ngôi sao hàng đầu thế giới như Strachan, Dalglish, Souness (Scotland), Pfaff, Scifo, Gerets, Ceulemans (Bỉ)…

Giới bóng đá thường ví những đội một thời vang bóng như những con gấu ngủ vùi trong suốt mùa đông, nhưng gọi như thế nghĩa là cũng sẽ có lúc những con gấu ấy tỉnh giấc và ngay lập tức trở nên nguy hiểm. Uruguay là một đội bóng như vậy. Đằng này, khoan nói đến chuyện tranh ngôi vô địch trong trận chung kết World Cup lần nữa, chỉ cần góp mặt ở VCK là đã quá khó đối với Hungary – đội chưa bao giờ dự một giải lớn từ sau World Cup 1986. Không ai ngủ đông suốt 24 năm.

Khi Uruguay vào đến bán kết, với Diego Forlan đoạt giải cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2010 và Luis Suarez trình diễn các pha ghi bàn bằng kỹ thuật điêu luyện, giới bóng đá lại bình luận: đấy chính là đẳng cấp của một nền bóng đá có bề dày truyền thống. Alex Ferguson từng nói “phong độ chỉ là giá trị nhất thời, đẳng cấp mới là giá trị vĩnh cửu”. Vậy thì: đâu rồi cái đẳng cấp vĩnh cửu nơi những đội bóng từng có thời huy hoàng như Hungary, Áo, Scotland, Bỉ? Hay là với các đội ấy, đẳng cấp cũng chỉ là thứ nhất thời?

Đẳng cấp của các cường quốc bóng đá một thời ấy thật sự đã bị chôn chặt, sẽ không bao giờ tìm lại được nữa, ít ra là trong thời buổi này. Vài chục năm nữa, nếu như bóng đá đỉnh cao lại phát triển theo một hướng khác, may ra các nền bóng đá vừa nêu mới có hy vọng trở lại đỉnh cao, theo một sự ngẫu nhiên nào đấy. Còn bây giờ, sở dĩ họ không thể tìm lại thời kỳ hoàng kim là vì bây giờ bóng đá đã khác quá xa so với thứ bóng đá lúc họ làm mưa làm gió. Bóng đá bây giờ không còn là môn thể thao mà người ta có thể quy tụ 11 cầu thủ sinh trưởng trong vòng bán kính 50km để đoạt Cúp C1 châu Âu, như thành tích mà CLB Scotland Celtic làm được hồi năm 1967.

Bóng đá giờ là thương mại, là khoa học, là chính trị, có khi còn phải là… mafia nữa. Ba Lan và Ukraine giờ có vinh dự đăng cai EURO, Nam Phi đã tổ chức World Cup, Pháp dù kém đến mấy vẫn “phải” có mặt ở VCK World Cup. Đấy đâu phải là những kết quả đạt được bằng con đường bóng đá thuần túy? Bây giờ, khối nơi dễ dàng có được “đẳng cấp nhất thời” trong loại hình bóng đá như vậy (ví dụ đẳng cấp của Manchester City ở Premier League). Còn đẳng cấp mà Hungary, Áo, Scotland, Bỉ từng có thì đã tan biến từ lâu rồi.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.