Những người Mỹ ngây thơ

19/11/2010 15:32 GMT+7

(TNO) Hạ viện Mỹ vừa mới thông qua nghị quyết cam kết sẽ ủng hộ quá trình chạy đua đăng cai World Cup 2022 của nước này, song liệu hành động này có mang lại lợi ích cho họ? >> Hai Ủy viên điều hành FIFA bị kết tội >> Sự bất lực của FIFA

Lối vào trụ sở FIFA ở Thụy Sĩ - Ảnh: AFP

(TNO) Hạ viện Mỹ vừa mới thông qua nghị quyết cam kết sẽ ủng hộ quá trình chạy đua đăng cai World Cup 2022 của nước này, song liệu hành động này có mang lại lợi ích cho họ?

>> Hai Ủy viên điều hành FIFA bị kết tội 
>> Sự bất lực của FIFA

Nghị quyết được điện Capitol thông qua vào ngày 18.11, chỉ một ngày sau khi FIFA công bố bản báo cáo tóm lược của các thanh sát viên, những người mất hàng tháng trời đi vòng quanh thế giới để kiểm tra các nước đăng cai.

Bản báo cáo tập trung chỉ ra những tồn tại của các ứng viên. Về cơ bản, hồ sơ đăng cai của tất cả các quốc gia đều có một nhược điểm nào đó. Trong các quốc gia đăng cai World Cup 2018, Anh thiếu số lượng khách sạn và địa điểm tập luyện, Nga gây lo ngại về cơ sở hạ tầng giao thông do đất nước quá rộng lớn, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không được đánh giá cao vì quyết định đồng đăng cai, tương tự như Hà Lan và Bỉ.

Với World Cup 2022, Mỹ không có được sự cam kết đầy đủ từ chính phủ, nhiệt độ quá nóng ở Qatar vào tháng 6, tháng 7 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cầu thủ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể khiến FIFA thất thu tiền bản quyền truyền hình do lệch múi giờ quá nhiều…

Thoạt nhìn, phản ứng của Mỹ có vẻ nhanh nhạy. Một nghị quyết của Quốc hội sẽ đập tan nghi ngờ về sự ủng hộ của chính giới nước này. Tuy nhiên, bày tỏ sự ủng hộ là một chuyện, còn ủng hộ như thế nào mới là chuyện quan trọng, điều này thì chẳng thấy nhắc đến.

Đó là chưa kể đến việc từ đây đến năm 2022 có biết bao nhiêu "nước đã chảy qua cầu", theo cách nói của người Anh. Lúc đó sẽ là một Hạ viện khác hẳn so với hiện tại. Một nghị quyết vô thưởng vô phạt liệu có đủ sức thuyết phục về tính ràng buộc? Hỏi tức là trả lời.

Nếu có ai vội cho rằng đó là sự láu cá của người Mỹ thì hãy suy nghĩ lại. Điều đơn giản này ai chẳng biết huống chi các Ủy viên điều hành FIFA. Nói người Mỹ ngây thơ ở đây là họ tưởng qua mặt được FIFA song ngược lại chính họ mới là những người bị xỏ lá mà không hay biết. Cũng dễ hiểu thôi, người Mỹ vẫn là những kẻ ngoại đạo trong thế giới túc cầu giáo.

Có mấy ông ủy viên điều hành trông vào các tiêu chí nói trên để đưa ra quyết định? Chủ tịch UEFA và là Phó chủ tịch FIFA, Michel Platini, trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Independent cho biết ông tin rằng các ủy viên điều hành đã quyết định xong xuôi việc họ sẽ bầu cho ai.

Nên nhớ, việc bầu chọn nước chủ nhà World Cup là một cuộc bỏ phiếu kín. Không ai biết được ai sẽ bầu cho ai. Tất cả những gì người hâm mộ toàn cầu có thể thấy là một chiếc phong bì chứa tên nước được chọn mà Chủ tịch FIFA Sepp Blatter sẽ bóc ra vào ngày 2.12. Về mặt này, Ủy ban điều hành FIFA chẳng khác gì một hội kín trong thế giới hiện đại và người ta luôn đòi hỏi tổ chức này phải minh bạch hơn là vì vậy.


 Logo của FIFA với hiệu ứng hình ảnh - Ảnh: AFP

Thực chất công dụng của bản báo cáo, nếu có, chỉ là để FIFA có thể biện hộ cho các quyết định chọn nước chủ nhà của họ, nói cách khác là giải thích tại sao họ lại không chọn một nước nào đó. Có thể thấy nhược điểm của tất cả các quốc gia đều chỉ là chung chung và chẳng có tiêu chí nào để so sánh các điều này.

Còn lý do thực sự thúc đẩy các ủy viên điều hành bỏ ai chọn ai thì chỉ có trời biết. Người ta chỉ biết vừa có hai ủy viên điều hành FIFA bị cách chức vì dính líu đến việc bán phiếu bầu. Chỉ tội cho người Mỹ chăm chăm tin theo bản báo cáo để rồi đưa cả vào nghị trình của quốc hội. Thật chẳng biết xót tiền dân!

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.