Niềm tin của Oliver Kahn

26/06/2010 23:52 GMT+7

Cựu thủ môn lừng danh của đội tuyển Đức và Bayern Munich tin rằng đội tuyển của mình vẫn sẽ có cơ hội lớn hơn nếu cuộc đối đầu với kình địch Anh phải giải quyết bằng sút luân lưu.

Oliver Kahn tin chắc rằng nếu phải sút luân lưu, Đức sẽ thắng - Ảnh: Đỗ hùng

Cựu thủ môn lừng danh của đội tuyển Đức và Bayern Munich tin rằng đội tuyển của mình vẫn sẽ có cơ hội lớn hơn nếu cuộc đối đầu với kình địch Anh phải giải quyết bằng sút luân lưu.

Sáng hôm nay, tôi rời chốn đô hội Johannesburg để xuôi xuống miền nam, đến thủ phủ Bloemfontein của tỉnh Bang Tự Do (Free State). Đô thị nhỏ này nằm trên độ cao 1.400m, là nơi lạnh nhất trong số 9 thành phố đăng cai World Cup 2010. Vào mùa đông hiện tại, nhiệt độ thấp nhất của Bloemfontein thường dưới 0, có khi xuống tới - 6 độ.

Trận đấu kinh điển giữa Anh và Đức trên sân Free State đã kéo tôi tới thành phố được mệnh danh là “Suối hoa” này. Đây là một trận đấu không thể bỏ qua nên tôi đã… bỏ qua rất nhiều mối quan tâm khác để đến với nó.

Cuộc đối đầu Anh - Đức xưa nay luôn rất máu lửa, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Xa xưa, như World Cup 1966, thì tôi không nhớ, nhưng lời ta thán “Bóng đá là trò chơi với 22 người chạy vòng vòng, quần nhau với trái bóng, và trọng tài mắc một đống lỗi, để rồi rốt cuộc người Đức luôn chiến thắng” của danh thủ Anh Gary Lineker - sau một cuộc đọ sức với người Đức cách đây 20 năm - thì vẫn còn trong tâm trí tôi. Tôi cũng luôn bị ám ảnh bởi cuộc đối đầu kịch tính M.U - Bayern Munich trên sân Nou Camp 11 năm về trước và bởi một trận đấu khác nữa, cách đây đã 9 năm, Anh thắng Đức 5-1 ngay tại sân Olympia ở Munich trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2002. Hồi đó, ở một khu nghèo tại TP.HCM, chúng tôi đã chạy lùng khắp nơi để xem trực tiếp trận đấu này qua truyền hình cáp.

Hồi World Cup 2006 ở Đức, tôi cũng đã gặp những cổ động viên Anh sôi nổi. Sau vài ly bia, họ nói thế này: “Rồi Rooney sẽ ghi bàn. Tuyển Anh sẽ tiến sâu và sẽ thắng Đức trong trận chung kết”. Trời, thắng trận chung kết được rồi, tại sao lại phải thắng Đức mới được chứ, tôi thắc mắc, dù biết rằng cái lý do của mơ ước kia thật đơn giản. Thắng trận chung kết đã sướng, nhưng thắng Đức trong trận chung kết đối với người Anh còn sướng gấp nhiều lần. Cũng tại World Cup 2006, tôi đã gặp những cổ động viên Anh in trên lưng áo những chiếc máy bay chiến đấu, với dòng chữ có vẻ không liên quan gì tới bóng đá: “Oanh tạc cơ Đức vượt qua eo biển Anh, nhưng đã bị đoàn tiêm kích Anh bắn hạ”.

Sự căng thẳng là như thế đấy. Có điều, tại World Cup 2006, tôi nhớ vào một buổi chiều nắng ở Gelsenkirchen, trước khi có thể tiến vào trận chung kết để thắng Đức như mong muốn của nhiều cổ động viên Anh, đội tuyển xứ sương mù đã gục ngã trên chấm 11m trong cuộc “đấu súng” với Bồ Đào Nha. Những người con ưu tú nhất của họ, Steven Gerrard, Frank Lampard và Jamie Carragher đã sụp đổ trên chấm phạt đền. Chỉ có Owen Hargreaves sút thành công. Trớ trêu thay, Hargreaves lúc đó đang khoác áo một đội bóng Đức, đất nước của thần kinh thép và chưa một lần thua trên chấm phạt đền.

Tôi không có dịp trở lại doanh trại tuyển Anh ở Rustenburg một lần nữa, trước khi họ hành quân xuống Bloemfontein vào hôm qua, để xem ông thầy người Ý Fabio Capello có tập cho học trò luyện sút từ chấm 11m hay không, nhưng trong một dịp may hiếm có, tôi đã được gặp cựu thủ môn Oliver Kahn của Đức để nghe anh nói về chuyện sút phạt đền, nói về bản lĩnh thủ môn. Kahn là cầu thủ Đức từng có mặt trong hai cuộc đối đầu Anh - Đức kinh điển nói trên - trận chung kết Champions League năm 1999 và trận vòng loại World Cup 2002 - nên nghe anh nói trước thềm trận đấu ở Bloemfontein là rất thú vị.

Kahn tỏ ra rất khéo léo trong việc chê thủ môn đội tuyển Anh: “Nước Anh có truyền thống sản xuất ra nhiều thủ môn giỏi. Cùng thời với tôi là David Seaman, trước đó là Gordon Banks. Nhưng hiện nay họ không tạo ra thêm được người giữ thành xuất sắc nào. Lý do, theo tôi đó là việc các đội bóng hàng đầu ở Anh sính thủ môn ngoại. Khi mà những Arsenal, M.U, Liverpool, Chelsea đều dùng thủ môn nước ngoài thì khó có cơ hội nào cho người trong nước. Ở Đức thì lại khác. Chẳng hạn Bayern Munich luôn tìm kiếm người giữ thành là người Đức và điều đó đã tạo động lực phấn đấu cho các thủ môn trong nước”. Lời chê của Kahn có phần xác đáng, nhất là sau khi thủ môn Robert Green của Anh để thủng lưới một cách ngớ ngẩn trong trận gặp Mỹ.

Oliver Kahn cũng không quên đặt niềm tin vào thủ môn còn rất trẻ của đội tuyển Đức, Manuel Neuer, mới 24 tuổi: “Có thể cậu ấy còn trẻ, nhưng cậu ấy có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là ở đội tuyển U.21. Neuer hiếm khi mắc sai lầm và tôi tin cậu ấy sẽ là người chiến thắng”. Cụ thể hơn, về cuộc đối đầu ở Bloemfontein, Kahn nói: “Hãy chờ xem những cầu thủ trẻ của chúng tôi đã trưởng thành như thế nào để khẳng định bản lĩnh trong trận đấu lớn này. Nhưng nếu như cuộc chơi phải giải quyết bằng đá luân lưu, chúng tôi sẽ có cơ hội lớn hơn”. Oliver Kahn tự tin, vì trước nay Đức chưa hề thất bại trong các cuộc đấu súng từ chấm phạt đền, trong khi Anh lại có thành tích khá nghèo nàn trong “thể loại” này.

Phạt đền là một nỗi ám ảnh của người Anh, nhưng lại là hy vọng của người Đức. Lịch sử đã cho thấy sự trái ngược này. Nhưng tại sao lại như thế? Theo Oliver Kahn thì đó là do sức mạnh tinh thần. “Nếu không có tâm lý vững vàng, bạn sẽ dễ dàng gục ngã”, anh nói, giữa lúc chủ đề “đá luân lưu” cứ mãi ám ảnh các nhà báo Anh nên họ đã đặt ra cho anh rất nhiều câu hỏi.

Nhưng tại sao lại cứ bàn đến sút luân lưu khi nói về một trận đấu giữa hai đội bóng có nhiều cầu thủ tấn công giỏi chứ?!

Đỗ Hùng
(Johannesburg)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.